 |
Lứa học sinh đầu tiên của ALA. Ảnh: AFP |
Trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo tại châu lục hoặc nước ngoài có xu hướng di cư tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn trên thế giới, một nhóm doanh nhân ở Johannesburg (Nam Phi) vừa đầu tư mở trường trung cấp mang tên Viện Lãnh đạo châu Phi (ALA). Mục tiêu là nhằm ngăn chặn hiện tượng chảy máu chất xám bằng cách thuyết phục “những cái đầu” tốt nhất trong các trường học ở châu Phi đến hỗ trợ phát triển nhân tài phục vụ lục địa đen. Khóa đầu tiên khai giảng tháng 9 vừa qua, nhà trường tuyển được 97 học sinh đến từ 29 quốc gia trong tổng số 1.700 thí sinh tham dự. Qui trình tuyển chọn của ALA rất gắt gao với 3 vòng thi, theo đánh giá của các chuyên giáo dục, là còn khó hơn thi vào Đại học Harvard danh tiếng ở Mỹ.
Theo Chris Bradford, một trong những người sáng lập và là hiệu trưởng của trường, châu Phi có chuyển đổi thành công nền kinh tế-xã hội hay không sẽ tùy thuộc vào những nhà lãnh đạo xứng tầm trong tương lai. Do đó, khi đưa ra sáng kiến thành lập ALA cách đây 5 năm, những người khởi xướng cho rằng châu Phi cần phải có một thế hệ doanh nhân đẳng cấp cao. ALA cam kết đào tạo nguồn học sinh xuất sắc, giúp họ thụ hưởng nền giáo dục có trình độ cao cấp trước khi đưa đến các trường đại học tốt nhất trên thế giới, để sau này trở về cộng đồng phục vụ với tư cách là những nhà lãnh đạo tái thiết châu Phi.
Để tạo ra những con người có khát vọng xây dựng châu lục phát triển, chương trình đào tạo của ALA phần lớn tập trung vào châu Phi như môn lịch sử, địa lý và mối quan hệ giữa các nước. Thực tế cho thấy giới trẻ châu Phi ngày nay không biết gì về lịch sử của châu lục mình. Điều này chính là nguyên nhân khiến họ không có tư tưởng sống và làm việc vì mục tiêu đưa lục địa đen khoát khỏi vòng lẩn quẩn của nghèo đói, lạc hậu và xung đột triền miên. Để khuyến khích phụ huynh ở châu Phi cho phép con em họ theo học tại ALA, mỗi khóa học, nhà trường dành hơn 50 suất học bổng bằng nguồn tài trợ của các mạnh thường quân. Riêng số học sinh còn lại đóng học phí khoảng 15.000 euro (333 triệu đồng)/năm.
Nhưng mức học phí trên có lẽ không phải là vấn đề quan trọng nhất, bởi mỗi năm vẫn có hàng chục ngàn gia đình tại châu Phi chấp nhận dốc túi để gởi con em họ sang học tập ở các nước phương Tây có mức sinh hoạt khá đắt đỏ. Điều mà các bậc cha mẹ có thể yên tâm hơn cả là ALA đã lôi kéo được nhiều nhà giáo dục nổi tiếng từ khắp nơi đến giảng dạy.
PHÚC GIA AN (Theo Le Monde)