12/02/2015 - 21:12

Cảnh giác với dịch cúm gia cầm

Năm 2014, Việt Nam ghi nhận 2 người mắc và tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Tháp vào tháng 2-2014. Năm 2015, cả nước chưa ghi nhận trường hợp mắc. Tuy nhiên, tại cuộc họp trực tuyến công tác phòng, chống dịch Tết Nguyên đán do Bộ Y tế tổ chức đầu tháng 2-2015, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo: Tình hình dịch cúm gia cầm ở Trung Quốc đang diễn biến phức tạp và nhiều nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam...

Theo Cục Y tế dự phòng, dịch cúm gia cầm đã và đang diễn biến phức tạp. Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, nhiều nguy cơ ghi nhận thêm các trường hợp mắc cúm A/H7N9, cúm A(H5N1) mới trên người. Hiện nay, dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc vẫn chưa được khống chế và có nguy cơ bùng phát. Theo WHO, 3 tuần đầu tháng 1-2015, tại Trung Quốc đã ghi nhận 16 trường hợp mắc cúm A(H7N9), trong đó có 3 trường hợp tử vong. Số mắc có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam Trung Quốc, gần biên giới Việt Nam. Tại Việt Nam, hiện chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A (H7N9) trên gia cầm và trên người. Đối với cúm A (H5N1), tích lũy từ đầu năm 2003 đến nay, ghi nhận 127 trường hợp mắc, 64 trường hợp tử vong.

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm kiểm tra mua, bán gia cầm tại Trung tâm Thương mại Cái Khế.

Trước tình hình dịch cúm diễn biến phức tạp, ông Trần Đắc Phu nhận định: Nguy cơ dịch cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam rất lớn, có thể có những người Việt Nam bị mắc cúm A(H7N9) khi sang du lịch, buôn bán tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, vi-rút cúm A(H7N9) lưu hành ở các đàn gia cầm, không có biểu hiện triệu chứng nên khó khăn trong việc kiểm soát dịch. Hiện nay, vệ sinh trong giết mổ chưa được người dân chú trọng, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán làm tăng nguy cơ dịch bệnh; tập tục chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế, vệ sinh thấp kém ở một số bộ phận dân cư khó kiểm soát dịch bệnh… Trước diễn biến ấy, Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành y tế và nông nghiệp đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện bệnh trên gia cầm và ở người tại các điểm giám sát; tăng cường lấy mẫu các bệnh nhân viêm phổi nặng nghi do vi-rút tại các bệnh viện để gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt công tác quản lý thị trường để ngăn chặn và thực hiện bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới; xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt là các chợ đầu mối. Với các cơ sở y tế cần lưu ý khai thác tiền sử bệnh nhân để chẩn đoán sớm các trường hợp viêm đường hô hấp cấp nghi do cúm gia cầm.

Tại TP Cần Thơ, theo thông tin từ Chi cục Thú y thành phố, đầu năm 2014 đến nay, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 32 hộ chăn nuôi thuộc 7 quận, huyện. Ngành thú y xử lý chôn hủy trên 44.000 con gia cầm và tiến hành lấy 240 mẫu trên đàn gia cầm sống, kết quả có 93 mẫu dương tính với vi-rút cúm gia cầm (type A). Trong 168 mẫu môi trường (nước uống của gia cầm, nước thải khu vực buôn bán gia cầm, chất thải trên lồng nhốt gia cầm, phân tươi của gia cầm) có 64 mẫu dương tính với vi-rút cúm gia cầm (type A). Theo ông Lưu Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, thành phố: "Dịch cúm gia cầm xảy ra nhưng chỉ ở quy mô gia đình, nhỏ lẻ, không gây thành dịch và lây lan trên diện rộng. Do chủ động phát hiện dịch sớm, tích cực xử lý nên hạn chế thiệt hại xảy ra. Trong dịp Tết Nguyên đán, khí hậu lạnh, nguy cơ xảy ra dịch cúm trên đàn gia cầm và lây sang người rất lớn. Vì thế, ngành thú y chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; triển khai tiêm phòng bắt buộc các đàn gia cầm phát sinh chưa được tiêm phòng cúm gia cầm. Lực lượng thú y tăng cường kiểm dịch gia cầm và các sản phẩm gia cầm; kiểm soát giết mổ; kiểm tra vệ sinh thú y… với người chăn nuôi gia cầm cần thực hiện nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ để tránh gia cầm mắc bệnh, gây thiệt hại kinh tế. Người tiêu dùng cần chọn mua gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm có kiểm dịch. Từ đây đến Tết, lực lượng thú y phối hợp chặt chẽ với ban quản lý các chợ để kiểm soát gia cầm và các sản phẩm gia cầm, nếu phát hiện hàng không có kiểm dịch sẽ lập biên bản, tịch thu và tiêu hủy theo quy định.

Vi-rút cúm A (H5N1), A (H7N9) có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người do tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc trung gian qua các thực phẩm chế biến từ gia cầm bị bệnh hoặc có thể xảy ra qua tiếp xúc trực tiếp như: giết mổ, vận chuyển, mua bán hoặc cầm, sờ vào gia cầm bị nhiễm bệnh... Hiện bệnh chưa có vắc-xin tiêm phòng và thuốc điều trị đặc hiệu nên cần có những biện pháp dự phòng tích cực. Bệnh thường rất nặng, diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong cao (từ 50% - 100%). Theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ: Người bị cúm A/H5N1 thường có những dấu hiệu sau: sốt cao đột ngột (trên 380C), đau đầu, đau nhức cơ, ho khan kéo dài, đau họng, tức ngực dữ dội, khó thở, nghe phổi có tiếng ran, tím tái nhanh, mệt mỏi rã rời, tiêu chảy, rối loạn ý thức. Bệnh thường diễn biến rất nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Để phòng bệnh, người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng; hạn chế tiếp xúc với gia cầm khi không cần thiết; không mua bán, giết mổ gia cầm bệnh, chết; không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch; không ăn thịt gia cầm chưa nấu chín kỹ, trứng sống, trứng lòng đào (nửa sống nửa chín) và tiết canh. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo với cơ quan y tế địa phương về tình trạng sức khỏe để được theo dõi diễn biến.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết