Sau vụ thảm sát bằng súng xảy ra tại Trường Tiểu học Sandy Hook thuộc thành phố Newtown của bang Connecticut, Tổng thống Mỹ Barack Obama bức xúc tuyên bố sẽ thực thi một biện pháp mạnh mẽ (kiểm soát súng) nhằm ngăn chặn những thảm kịch tương tự mới mà không đắn đo hậu quả chính trị. Trong 4 năm vừa qua, chủ nhân Nhà Trắng đã không có động thái gì đáng kể hòng tăng cường quyền kiểm soát súng của chính phủ như đã hứa trong chiến dịch vận động tranh cử. Tờ Le Figaro (Pháp) nhận định thời thế nay đã thay đổi, bởi ông Obama "không còn gì để mất" trong nhiệm kỳ thứ hai và cuối cùng của mình.
Các tờ báo hàng đầu nước Mỹ như Bưu điện Washington, Thời báo New York cũng kêu gọi chính quyền Mỹ siết chặt luật mua bán và sở hữu súng đạn nhằm bảo vệ trẻ em và ngăn chặn những vụ giết người kinh hoàng không thể ngờ tới. Hạ nghị sĩ John Larson thuộc bang Connecticut và một số thành viên đảng Dân chủ khác như hạ nghị sĩ Carolyn McCarthy, George Miller, thượng nghị sĩ Richard Blumenthal cũng lên tiếng thúc giục Quốc hội Mỹ nhanh chóng bỏ phiếu ủng hộ luật quản lý súng mới. Thị trưởng New York Michael Bloomberg cũng đưa ra kêu gọi như thế. Tỉ phú Bloomberg (hiện không theo đảng phái nào) đã đánh bại một thành viên đảng Dân chủ ủng hộ quyền sở hữu súng rộng rãi trong cuộc bầu cử hồi tháng 11. Hàng trăm nhà hoạt động ủng hộ kiểm soát vũ khí tối 14-12 đã tập hợp bên ngoài Nhà Trắng vừa cầu nguyện cho các nạn nhân Trường Tiểu học Sandy Hook vừa kêu gọi ông Obama hành động.
Theo hãng tin Reuters, trong cuộc bầu cử thượng viện Mỹ giữa nhiệm kỳ vừa qua, chỉ có một ứng viên đảng Cộng hòa giành thắng lợi trong số ít nhất 7 nhân vật ủng hộ quyền sở hữu súng tự do nhận được 100.000 USD hoặc hơn từ Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA), tổ chức vận động hành lang lớn nhất về quyền sở hữu súng cho các tập đoàn sản xuất vũ khí siêu lợi nhuận tại nước này.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, hầu như không có ông nghị đảng Dân chủ Mỹ nào dám hô hào ủng hộ luật tăng cường kiểm soát súng trong cuộc bầu cử hôm 6-11. Họ làm như vậy bởi áp lực thắng cử. Cả Tổng thống Obama cũng thế. Ông chủ tịch NRA David Keene tuyên bố tổ chức có khoảng 4 triệu thành viên này hiện nay vẫn đủ khả năng chống lại bất kỳ nỗ lực kiểm soát súng của chính phủ, vì quốc hội lưỡng viện của hai đảng vẫn ở bên cạnh họ. Một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 4-2012 cho thấy 68% dân Mỹ có cái nhìn tích cực về NRA. Sau vụ thảm sát làm 12 người thiệt mạng hồi tháng 7 tại một rạp chiếu phim ở bang Colorado, chỉ có 47% người Mỹ được hỏi muốn tăng cường quyền kiểm soát súng và 46% người phản đối. Tại Mỹ, trung bình mỗi năm có hơn 100.000 người bị bắn, trong đó có hơn 30.000 người chết năm 2010, tức mỗi ngày có hơn 80 người thiệt mạng vì súng.
Các nhà phân tích cho rằng sau thảm kịch "ngày thứ sáu đen tối", phần lớn dân Mỹ sẽ ủng hộ chính phủ và quốc hội kiểm soát chặt quy định mua bán và sở hữu súng. Nhưng thế lực của NRA và các nhà tài phiệt vũ khí mới là thách thức lớn của các ông nghị. Do đó, nhà hoạt động phản đối vũ khí Leroy Duncan đến từ bang Minnesota, nhấn mạnh người dân nước Mỹ có nguy cơ trở thành nạn nhân của súng đạn đang cần những đấng anh hùng không ngại rủi ro chính trị trong cuộc chiến pháp quyền bảo vệ sự sống an toàn cho nhân dân. "Tổng thống Obama, ngài có thể là một vị anh hùng", ông Duncan hy vọng.
KIẾN HÒA