08/06/2015 - 21:52

Cần khoảng 5.500 tỉ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng Tứ giác Long Xuyên

(CT)- Đó là mức khái toán mà lãnh đạo UBND tỉnh An Giang báo cáo với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chiều 8-6 tại văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, tổng diện tích tự nhiên vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) khoảng 488.935ha; trong đó, tỉnh An Giang chiếm gần 49% tổng diện tích; Kiên Giang chiếm 47,97%; TP Cần Thơ 3,11%. Các công trình thủy lợi đầu tư cho vùng TGLX đã giúp vùng chủ động trong sản xuất nông nghiệp, kiểm soát lũ, góp phần tạo việc làm và phát triển kinh tế- xã hội vùng. Tuy nhiên, một số công trình thủy lợi hiện không còn phù hợp với nhiệm vụ thiết kế ban đầu. Trong đó, đập cao su Trà Sư và Tha La được đưa vào sử dụng từ năm 2000 đến nay, với nhiệm vụ chính là điều tiết lũ từ thượng nguồn Campuchia ra biển Tây và ngăn lũ đổ về phía Nam quốc lộ 91, nhưng hiện đã xuất hiện nhiều vết nứt, không đảm bảo công tác vận hành phòng chống, điều tiết lũ… Trong khi đó, những năm qua, tình hình lũ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh kế, đi lại của người dân. Để giải quyết những khó khăn này, tỉnh An Giang đề xuất cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng TGLX gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng. Tổng nhu cầu vốn cần đầu tư hạ tầng thủy lợi, giao thông, lưới điện và trạm bơm… dự kiến khoảng 5.500 tỉ đồng cho cả vùng. Trong đó, tỉnh An Giang cần khoảng 3.350 tỉ đồng để xây dựng hệ thống cống thay thế đập cao su Trà Sư và Tha La điều tiết lũ tràn biên giới; đầu tư hệ thống đê bao kết hợp với giao thông bờ Đông Tha La; quy hoạch và đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cống, đê bao kết hợp giao thông, trạm bơm điện; nâng cấp tuyến kênh cấp I; đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ bào tồn thủy sản rừng tràm Trà Sư; các công trình tưới tiêu, thoát lũ, phục vụ nuôi trồng thủy sản, ngăn lũ…

Tại cuộc họp, một số ý kiến cho rằng, An Giang cần đánh giá tổng thể tác động của dự án; biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nếu giải quyết tốt vấn đề thủy lợi sẽ giúp vùng TGLX chủ động kiểm soát lũ, cũng như chủ động sản xuất. Dự án cần gắn với phát triển giao thông, an ninh quốc phòng cho cả vùng. Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ- Nguyễn Phong Quang thống nhất cao với dự án. Và đề nghị UBND tỉnh An Giang trình dự án đến Thường trực Tỉnh ủy. Khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng thống nhất thì gửi Tờ trình về Ban Chỉ đạo để tổng hợp gửi đến các bộ, ngành liên quan, trình Chính phủ, Quốc hội xin chủ trương. Khi có chủ trương đầu tư, Ban Chỉ đạo sẽ chủ trì cùng các địa phương xây dựng cụ thể dự án. Đây là dự án không chỉ cho An Giang mà cho cả vùng TGLX, nên phải thực hiện đúng trình tự, bài bản.

G.B

Chia sẻ bài viết