27/08/2010 - 08:18

Cần có chính sách đặc thù mời gọi đầu tư tại ĐBSCL

(CT)- Đó là nội dung của hội thảo “Xây dựng chính sách đặc thù thu hút đầu tư tại ĐBSCL” do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức ngày 26-8-2010, tại TP Cần Thơ.

Hội thảo đưa ra những quan điểm về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho việc thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL. Trong đó, nhấn mạnh việc đảm bảo tính bền vững và chất lượng của quá trình phát triển, tính đồng bộ của hệ thống chính sách, tính tổng thể và liên kết với các vùng trên cả nước, quốc tế, đảm bảo sự vận hành của cơ chế thị trường, quyền tự quyết của các nhà đầu tư... Mặt khác, cần đánh giá đúng về vai trò đảm bảo an ninh lương thực của vùng ĐBSCL, phân biệt rõ mục tiêu này với mục tiêu đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu để có cái nhìn khách quan, đảm bảo công bằng cho những người giữ vai trò này. Những hộ trồng lúa phải được hưởng chính sách đặc biệt, Nhà nước phải đảm bảo cuộc sống cho họ. Cần tăng cường mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo, nguồn lực mạnh sẽ đảm bảo sự phát triển đồng bộ hơn.

Đề án “Xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào các tỉnh ĐBSCL” do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương thực hiện trên cơ sở điều tra tình hình thu hút đầu tư thực tế tại ĐBSCL thời gian qua. Mục tiêu của đề án là đánh giá thực chất tiềm năng của vùng ĐBSCL, những hạn chế của vùng trong phát triển và mời gọi đầu tư. Theo các chuyên gia, thời gian qua, ĐBSCL chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nội ngành khá mạnh và phát triển công nghiệp cũng chừng mực để phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp. Trong giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đạt 7,7%/năm, giai đoạn 2006-2010 khoảng 7,5%/năm. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ hỗ trợ kinh doanh... là những trở ngại chính của vùng trong thu hút đầu tư. Mặc dù Chính phủ đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho sự phát triển của vùng, nhưng thiếu nguồn lực tài chính để thực hiện và cuối cùng những cơ chế, chính sách này vẫn nằm trên giấy. ĐBSCL giàu tiềm năng về nông, thủy sản, nhưng chưa được khai thác đúng mức để phát huy hiệu quả kinh tế, đồng thời nhiều quy hoạch phát triển vùng hiện đã lạc hậu, cần sớm được chỉnh sửa.

THU HÀ

Chia sẻ bài viết