28/01/2015 - 14:07

Phòng, chống dịch bệnh

Cần cảnh giác với thời tiết bất thường

Tại Hội nghị tổng kết công tác y tế dự phòng thành phố năm 2014 vừa tổ chức cuối tháng 1-2015, đại biểu các quận, huyện chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thời gian qua và lo ngại về sự thay đổi type vi-rút gây bệnh tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH)…

Chia sẻ cách làm hay

Năm 2014, ở huyện Cờ Đỏ bùng phát dịch SXH ở xã Trung Hưng và Thạnh Phú. Để dập dịch, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cờ Đỏ có sáng kiến làm phim nói về sự nguy hiểm của căn bệnh này. Trong phim có cảnh bệnh nhân đông đúc ở khu khám bệnh, khung nằm điều trị nội trú, tình hình bệnh, ấn tượng nhất là tâm sự của người thân bệnh nhi tử vong vì bệnh SXH…Theo bác sĩ Đinh Xuân Hải, Giám đốc TTYT huyện Cờ Đỏ: "Bộ phim góp phần rất lớn làm chuyển biến suy nghĩ chủ quan của người dân với căn bệnh này mà chủ động phòng, chống bệnh cho trẻ. Thời gian tới, dù không có dịch bệnh, 10 ngày đầu mỗi tháng, TTYT vẫn chọn 1 ấp để ra quân tuyên truyền phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường. Hiện nay, ở các ấp, các cộng tác viên y tế đã có phụ cấp nên thuận tiện hơn trong việc phân công nhiệm vụ. Trung tâm chọn nuôi cá lia thia vì cá này sức sống mạnh hơn cá bảy màu để phát cho người dân thả vô lu nước ăn lăng quăng. Cá bảy màu mau chết, có thể làm bẩn lu nước của dân".

Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc kiểm tra công tác y tế trường học tại trường mầm non, mẫu giáo.

Năm 2014, quận Thốt Nốt được phân bổ kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường để xây dựng 63 nhà vệ sinh ở 3 phường. Theo bác sĩ Bùi Văn Khanh, Giám đốc TTYT dự phòng quận Thốt Nốt, từ đầu năm, trung tâm có kế hoạch giao chỉ tiêu cụ thể xây dựng nhà vệ sinh cho các trạm y tế. Đặc biệt, khi xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà mới xây trong bảng vẽ không có nhà vệ sinh thì không cấp giấy phép. Ngoài ra, năm 2014, kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh cao hơn so với năm trước (1.470.000 đồng/nhà vệ sinh). Các năm trước, kinh phí ít hơn nên không đủ để cất phần che chắn bên trên. Các phường cũng thành lập ban chỉ đạo, họp chọn hộ nghèo, khó khăn, khảo sát thực tế… để hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh. Trung tâm không giao tiền cho hộ dân tự xây dựng mà hợp đồng với đội chuyên thi công nhà vệ sinh (quận thành lập các đội này từ các năm trước), cửa hàng bán vật tư. Khi chưa có kinh phí, cửa hàng sẵn sàng bán thiếu và chở vật tư giao tận nhà. Khi triển khai xây dựng, trung tâm mời các hộ dân trong khu vực đến tham quan mô hình xây dựng nhà vệ sinh theo mô hình của UNICEF, tiết kiệm chi phí. Trung tâm cũng cử cán bộ giám sát để việc xây dựng đúng yêu cầu kỹ thuật để thuận lợi trong tuyên truyền vận động người dân thực hiện. Hiện nay, trên 66% hộ dân ở quận Thốt Nốt có nhà vệ sinh.

Lo ngại chuyển tupe vi-rút SXH, TCM

Bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vắc-xin sinh phẩm, TTYT dự phòng TP Cần Thơ cho biết: "Biểu đồ số ca mắc TCM so với cùng kỳ 2013, số ca bệnh tập trung nhiều vào tháng 5-7 trái với quy luật thông thường là 2 đỉnh dịch vào tháng 3-5 và tháng 9-12 hàng năm. Phần lớn ca bệnh tập trung dưới 5 tuổi. Đối với bệnh SXH, số ca bệnh trên 15 tuổi là 89 ca, tăng gần gấp đôi so với trẻ 1 tuổi - nhóm tuổi có số ca cao thứ 2. Những đối tượng này cần được tập trung tuyên truyền. Số ca mắc TCM 1.043, tăng 107 ca và số ca mắc SXH 541, giảm 80 ca so cùng kỳ năm 2013". Bên cạnh đó, theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc TTYT dự phòng TP Cần Thơ, năm 2014, có sự chuyển type vi-rút TCM và SXH. Năm 2013, chủng vi-rút gây bệnh SXH phổ biến ở DEN 4 nhưng năm 2014 lại chủ yếu ở DEN 1. Bệnh TCM, type vi-rút gây bệnh cũng chuyển từ C4 sang B5. Với những type mới, cộng đồng chưa có miễn dịch nên cần cảnh giác nguy cơ bùng phát dịch. Trước sự bất thường của thời tiết đầu năm 2015 và chuyển type, trung tâm tham mưu Sở Y tế ban hành kế hoạch phòng, chống dịch chủ động mừng xuân Ất Mùi và ngày thành lập Đảng ngay từ đầu năm 2015. Thời gian thực hiện từ ngày 9-2 đến 11-2-2015 (tức ngày 21 đến 23 tháng Chạp năm Giáp Ngọ). Sở Y tế hỗ trợ 18 xã, phường, thị trấn trọng điểm (chi cho lực lượng đi vãng gia tuyên truyền). Đối với các đơn vị còn lại, các quận, huyện tham mưu UBND các cấp hỗ trợ kinh phí. Theo phác đồ mới, khi mật độ muỗi tăng cao, có ca bệnh thì địa phương chủ động phun hóa chất. Với công tác y tế trường học, đề nghị các quận, huyện chọn thí điểm 1 trường để chỉ đạo thực hiện, rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết