22/10/2010 - 08:17

Cán cân nay đã lệch?

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) và người đồng cấp đến từ Pakistan trong cuộc đối thoại chiến lược ngày 20-10. Ảnh: Getty Images

Như một điều luật bất thành văn, lâu nay nhằm tạo thế cân bằng trong quan hệ với Ấn Độ và Pakistan, bất kỳ tổng thống Mỹ nào khi đi thăm Ấn Độ đều ghé qua Pakistan hoặc ngược lại. Vì thế, khi cách đây vài tuần Nhà Trắng thông báo Tổng thống Barack Obama sẽ sang Ấn Độ vào đầu tháng 11 tới mà không có kế hoạch tạt qua Pakistan, nhiều người cho rằng ông Obama muốn giữ bí mật chuyến công du bất ngờ tới Pakistan bởi lý do an ninh, như cựu Tổng thống Bill Clinton đã từng làm hồi năm 2000. Tuy nhiên, thông báo mới của Nhà Trắng ngày 20-10 đã tái khẳng định ông Obama sẽ không đến Islamabad vào đầu tháng 11, thay vào đó là năm 2011. Điều này khiến dư luận đặt dấu hỏi về mối quan hệ hiện nay giữa Mỹ và Pakistan. Phải chăng cán cân nay đã lệch?

Theo các nhà phân tích, ông Obama đang chịu sức ép từ công luận trong nước về thái độ hợp tác chống khủng bố “lá mặt lá trái” của Pakistan, dù Quốc hội Mỹ đã thông qua gói hỗ trợ phát triển kinh tế, nhân đạo và an ninh trị giá 7,5 tỉ USD trong vòng 5 năm tới cho Pakistan. Washington cho rằng Islamabad chưa thực sự mạnh tay trấn áp lực lượng phiến quân Taliban trong phạm vi lãnh thổ của mình. Trong khi đó, Pakistan chỉ trích Mỹ chậm triển khai các gói viện trợ kinh tế và không đứng về nước này trong các vấn đề tranh chấp với Ấn Độ. Ngoài ra, vụ máy bay trực thăng của NATO bắn nhầm khiến hai binh sĩ Pakistan thiệt mạng tại khu vực biên giới Afghanistan- Pakistan hồi tháng trước khiến căng thẳng thêm gia tăng.

Thế nhưng theo các nhà phân tích, trên thực tế Mỹ không thể “bỏ rơi” Pakistan ngay cả khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Duy trì mối quan hệ với Pakistan là cách để Mỹ tạo dựng ảnh hưởng lâu dài ở Afghanistan và Ấn Độ, đồng thời cản trở sự thâm nhập ngày càng sâu của Trung Quốc. Do đó, bất chấp những nghi ngờ và căng thẳng giữa hai nước trong biện pháp chống khủng bố, Mỹ và Pakistan vẫn thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược. Bắt đầu từ ngày 20-10, đoàn đại biểu cấp cao do ngoại trưởng hai nước đứng đầu đã tiến hành cuộc đối thoại chiến lược 3 ngày lần thứ ba trong năm nay trên lĩnh vực an ninh, thương mại, đầu tư và ngoại giao. Đây là cơ chế quan trọng để Pakistan đón nhận và triển khai các dự án viện trợ của Mỹ.

KIẾN HÒA (Theo AFP, AP và CNN)

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) và người đồng cấp đến từ Pakistan trong cuộc đối thoại chiến l&#

Chia sẻ bài viết