16/06/2010 - 22:06

ĐỌC “PHẤN HOA LẦU XANH”

Cảm thương hồng nhan bạc phận

Thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn chịu nhiều thiệt thòi, bất công. Cô gái tài sắc Ngụy Sở Sở trong tiểu thuyết “Phấn hoa lầu xanh” của nhà văn nữ Trung Quốc Tào Đình là một trong vô vàn điển hình chịu qui luật nghiệt ngã ấy. Câu chuyện không mới nhưng vẫn lay động lòng người. Bản dịch tiểu thuyết của Nguyễn Thị Thúy Ngọc, Nhà xuất bản Văn học phát hành quí I-2010.

Thời Bắc Tống, Ngụy Sở Sở là thiên kim tiểu thư xinh đẹp, tinh thông cầm kỳ thi họa của một gia đình quyền quí. Mới 15 tuổi, Sở Sở bị gả cho Ngô Văn Bác, một người tính tình thô lỗ, độc đoán, trăng hoa. Vòng lễ giáo phong kiến “tam tòng, tứ đức” đã khiến Sở Sở luôn sống trong sự cam chịu, đè nén. Chồng cô có vợ lẽ, Sở Sở chịu nhiều nhục nhã và cay đắng. Cô bị tống giam vào một căn phòng biệt lập suốt hai năm vì tội gián tiếp làm cho người vợ lẽ sẩy thai, mà thật ra cô vô tội. Ngô Văn Bác viết giấy bỏ Sở Sở vì cô không có con, trả cô về nhà mẹ ruột. Đau khổ, tủi nhục ở nhà chồng, Sở Sở cam chịu nhưng cô không thể chịu nổi thái độ xa lánh, lạnh nhạt, coi thường của những người ruột thịt vì gia đình cho rằng: cô đã làm nhục gia phong. Sở Sở đã có lần tự vẫn nhưng không chết. Từ đó, cô sống như một chiếc bóng trong nhà.

Vết thương lòng vừa khép lại, trái tim cô gái 19 tuổi lại rung lên với người anh họ. Sau khi chiếm được cô, hắn đã bán Sở Sở cho Ngọc Hương Lầu- một lầu xanh nổi tiếng ở thành Tô Châu.

Xinh đẹp, giỏi đàn hát, thơ văn, Sở Sở trở thành kỹ nữ Phấn Đại- hoa khôi của Ngọc Hương Lầu, được nhiều khách làng chơi say mê. Có những người rất yêu cô, hứa sẽ chuộc cô về làm vợ nhưng vì không vượt qua được lễ giáo phong kiến, không chịu được miệng đời gièm pha nên đành lỗi hẹn. Cuộc sống chốn lầu xanh đã rèn cho cô gái ngây thơ ngày nào trở thành nên lạnh lùng, mất lòng tin và bất cần đời.

Bất ngờ Sở Sở gặp lại người chồng cũ trong hoàn cảnh trớ trêu: anh là khách làng chơi còn cô là kỹ nữ. Vẻ đẹp chín muồi cùng sự thành thạo trong gối chăn của Sở Sở đã khiến Ngô Văn Bác say mê, quyết tâm cưới cô làm vợ một lần nữa. Vì tranh giành Sở Sở với Tô thiếu gia- con rể quan Thái Thú mà Ngô Văn Bác đánh Tô Thiếu gia trọng thương nên bị xử tội chết. Ra pháp trường, khi đầu của Ngô Văn Bác rơi xuống cũng là lúc Sở Sở kết thúc đời mình bằng một lưỡi dao oan nghiệt...

Tào Đình là một nữ nhà văn trẻ Trung Quốc được bạn đọc Việt Nam biết đến qua những tiểu thuyết về giới trẻ như: “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”, “Yêu anh hơn cả tử thần”, “Thiên thần sa ngã”... Với “Phấn hoa lầu xanh”, Tào Đình đã thể hiện phong cách hoàn toàn khác. Bi kịch của người phụ nữ thời phong kiến được Tào Đình thể hiện trong từng trang văn như những dòng nhật ký đẫm nước mắt của một cô gái luôn khao khát bình yên với tình yêu chân chính nhưng không được. Tâm trạng, nỗi lòng của Sở Sở trong mỗi biến cố đều được tác giả miêu tả, khắc họa rõ nét, khiến người đọc cảm thông, thương xót.

“Phấn hoa lầu xanh” là một câu chuyện tố cáo những điều bất công trong xã hội phong kiến. Ngay khi ra mắt tại Trung Quốc, tiểu thuyết đã tạo nên một hiện tượng trên thị trường sách khi bán rất chạy và được độc giả lẫn giới phê bình đánh giá cao.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết