21/02/2020 - 14:51

Các ứng viên Dân chủ “đánh hội đồng” tỉ phú Bloomberg 

Vòng tranh luận thứ 9 giành đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ diễn ra hết sức gay gắt với màn xuất hiện đầu tiên của nhân vật tham gia trễ nhất - Michael Bloomberg.

Tỉ phú Bloomberg (trái) lạc lõng trong buổi tranh luận hôm 19-2. Ảnh: ABC News

Tỉ phú Bloomberg không tham gia vòng bầu cử sơ bộ đầu tiên ở các bang Iowa, New Hampshire, Nevada và South Carolina. Thay vào đó, ông chú trọng các bang chiến trường và hy vọng giành được lá phiếu của các đại cử tri từ “Siêu Thứ Ba” (rơi vào ngày 3-3) khi 14 tiểu bang đồng loạt tổ chức bỏ phiếu chọn ứng viên đại diện trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Theo kết quả thăm dò NPR/PBS NewsHour/Marist công bố, ông Bloomberg giành được tỷ lệ ủng hộ 19% sau khi đã chi 419 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo truyền hình. Tỷ lệ ủng hộ đạt hai con số là điều kiện để cựu thị trưởng New York tham gia tranh luận trực tiếp với các ứng viên khác của đảng Dân chủ.

Trước đó, nhiều người dự đoán ông Bloomberg có thể bị chất vấn liên quan các chính sách gây tranh cãi thời còn làm thị trưởng. Và ngay từ những phút đầu tiên của vòng tranh luận hôm 19-2, các đối thủ đã dồn dập “tấn công” tỉ phú 78 tuổi khi cáo buộc ông đang tìm cách chi tiền mua phiếu bầu bên cạnh loạt câu hỏi liên quan phát biểu phân biệt chủng tộc, kỳ thị giới tính, phân biệt đối xử trong tập đoàn mang chính tên ông. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders lập luận “di sản” độc hại về trị an của ông Bloomberg không giúp đảng Dân chủ mở rộng liên minh để đánh bại đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa. Trong khi đó, ứng viên Elizabeth Warren cho đây sẽ là canh bạc mạo hiểm nếu phe Dân chủ muốn thay thế “một tỉ phú kiêu ngạo bằng một người giàu khác”. Còn Cựu thị trưởng thành phố South Bend Pete Buttigieg thì đề nghị đảng Dân chủ không nên chọn ông Bloomberg, một cựu thành viên đảng Cộng hòa.

Sau khi bị áp đảo với loạt chỉ trích dữ dội, ông Bloomberg đáp trả với tuyên bố không tin ứng viên khác, đặc biệt là thượng nghị sĩ Sanders với những sách lược hiện nay có khả năng chiến thắng trước Tổng thống Trump. Ông Sanders là người giành chiến thắng quan trọng trong cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang New Hampshire với tỷ lệ ủng hộ 26%. 

Tổng thống Trump chỉ định quyền giám đốc tình báo quốc gia

Quyết định này tuy không cần sự xác nhận của thượng viện nhưng đang vấp phải chỉ trích khi nhiều người cho rằng nhân vật được bổ nhiệm- đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, không có kinh nghiệm và không phù hợp với vị trí đứng đầu mạng lưới gián điệp.

Ông Grenell từng gây xôn xao khi bị coi là người thực thi các chính sách của ông Trump với việc thường xuyên đưa ra những bình luận và hành động vượt xa trách nhiệm vốn có của một đại sứ. Ông cũng đối mặt lời kêu gọi trục xuất khi lên tiếng ủng hộ các chính trị gia cánh hữu ở châu Âu ngay sau thời điểm nhận chức vụ tại Đức. Tuy nhiên, Grenell hiện được chủ nhân Nhà Trắng xem là cố vấn trung thành sau phiên tòa luận tội lịch sử và một trong những thân tín có thể hỗ trợ ông trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11. Trên Twitter, Tổng thống  Trump ca ngợi ông Grenell là “đại diện nổi bật” của nước Mỹ và rất mong đợi hợp tác cùng người này. Với quyết định bổ nhiệm mới, ông Grenell sẽ là thành viên đồng tính công khai đầu tiên trong nội các Mỹ.

MAI QUYÊN (Theo CNN, Guardian)

 

Chia sẻ bài viết