21/01/2020 - 07:56

Các tỉ phú có tài sản lớn hơn 60% dân số toàn cầu 

Theo tổ chức Oxfam (Anh), 2.153 người giàu nhất thế giới trong năm 2019 nắm giữ khối tài sản nhiều hơn 4,6 tỉ người nghèo cộng lại.

Công việc không lương của phụ nữ góp hàng nghìn tỉ USD cho kinh tế toàn cầu. Ảnh: Bangkok Post

Báo cáo thường niên của Oxfam về bất bình đẳng toàn cầu được công bố ngay trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khai mạc hôm nay 21-1 tại Davos (Thụy Sĩ). Tất cả số liệu được thu thập từ bảng xếp hạng tỉ phú trên tạp chí Forbes và báo cáo tài sản toàn cầu của ngân hàng Credit Suisse.

Tài liệu được đưa ra giữa lúc có nhiều ý kiến về việc số tỉ phú ngày càng nhiều là tốt hay xấu cho xã hội. Được biết, số lượng tỉ phú toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua và 1% nhóm người giàu nhất có tổng tài sản gấp hai lần 6,9 tỉ người còn lại. Tỷ lệ tỉ phú tập trung cao nhất ở Mỹ (705 cá nhân) và đây cũng là quốc gia duy nhất ghi nhận số tỉ phú gia tăng năm ngoái. Tuy nhiên, người giàu nhất thế giới Jeff Bezos (sở hữu Amazon) với tổng tài sản 116 tỉ USD hiện bị đẩy xuống vị trí thứ 2, sau Chủ tịch tập đoàn LVMH của Pháp Bernard Arnaud.

Theo Oxfam, các nhà lãnh đạo thế giới không làm đủ để giải quyết khoảng cách ngày càng lớn giữa người nghèo và giàu. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tỷ lệ giảm nghèo toàn cầu đã sụt giảm một nửa kể từ năm 2013. Theo đó, vẫn còn 735 triệu người đang sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ với thu nhập chưa đến 2 USD/ngày.

Báo cáo cho biết phụ nữ và trẻ em gái là những người chịu thiệt thòi nhất. Họ đã bỏ ra tổng cộng 12,5 tỉ giờ mỗi ngày để làm những công việc chăm sóc gia đình mà không được trả thù lao. Số thời gian này đáng ra có thể mang về ít nhất khoảng 10,8 nghìn tỉ USD mỗi năm cho nền kinh tế thế giới.  Để làm rõ, so sánh của Oxfam cho thấy tài sản của 22 người đàn ông giàu nhất thế giới nhiều hơn của tất cả phụ nữ ở châu Phi gộp lại.

Theo các phân tích, phụ nữ đang thúc đẩy nền kinh tế thị trường bằng lao động giá rẻ và miễn phí. Họ cũng hỗ trợ nhà nước bằng các dịch vụ chăm sóc mà lẽ ra phải do khu vực công cung cấp. Tình trạng dân số già và cắt giảm các dịch vụ công được dự báo làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về giới và kinh tế. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, sẽ có thêm 100 triệu người già cần được chăm sóc vào năm 2050 nhưng hầu hết các nước đều không có kế hoạch đối phó cuộc khủng hoảng này.

Để giải quyết, Oxfam kêu gọi chính phủ mỗi nước chú trọng xây dựng hệ thống chăm sóc quốc gia, cung cấp dịch vụ công miễn phí; hạn chế ảnh hưởng của các tập đoàn và giới siêu giàu cùng với chính sách tăng thuế đối với nhóm này. Ngoài ra, ý kiến chuyên gia cho rằng nên thay đổi chính sách thuế cá nhân, giải quyết sự tập trung của cải, cải thiện giáo dục giúp mọi người trang bị kiến thức và kỹ năng tốt hơn. Báo cáo cho rằng nếu 1% những người giàu có nhất trên thế giới trả thêm 0,5% tiền thuế trong 10 năm, số tiền này sẽ ngang bằng với số tiền đầu tư để tạo 117 triệu việc làm mới trong các lĩnh vực như chăm sóc người già và trẻ em, giáo dục và y tế.

MAI QUYÊN (Theo CNN, BBC)

Chia sẻ bài viết