01/02/2023 - 21:51

Các tay súng Hồi giáo đặt ra thách thức mới cho Pakistan 

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, Reuters)

Tính đến ngày 31-1, số người chết trong vụ đánh bom tự sát tại thánh đường Hồi giáo ở Tây Bắc Pakistan đã lên tới ít nhất 100, trở thành một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất ở quốc gia Nam Á trong nhiều năm qua.

Hiện trường vụ đánh bom tự sát ở thánh đường Hồi giáo tại Peshawar, Pakistan. Ảnh: AFP

Vụ việc xảy ra hôm 30-1 khi một kẻ đánh bom trà trộn vào những người đang cầu nguyện trong thánh đường tại thành phố Peshawar, thủ phủ của tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa giáp với Afghanistan, và kích nổ 12kg thuốc nổ. Hơn 200 người cũng đã bị thương trong vụ tấn công.

Tuy chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng giới chức Pakistan tin rằng vụ tấn công là do các tay súng Hồi giáo tiến hành. Ðất nước hơn 200 triệu dân này đang đối mặt với mối đe dọa từ các tổ chức Tehreek-e-Taliban (TTP) và IS-K.

Mối đe dọa lớn từ TTP

TTP ra đời năm 2007 như một tổ chức bảo trợ cho nhiều nhóm Hồi giáo dòng Sunni cứng rắn hoạt động riêng lẻ tại Pakistan. TTP cam kết trung thành với phong trào Hồi giáo Taliban ở Afghanistan và lấy tên của nhóm này, nên còn được gọi là Taliban Pakistan. TTP không giấu giếm ý đồ thiết lập luật Hồi giáo tại Pakistan như Taliban đang thực hiện ở Afghanistan. TTP đứng sau một số vụ tấn công đẫm máu nhất tại Pakistan, bao gồm ở các nhà thờ, trường học và bắn vào đầu làm bị thương nữ sinh Malala Yousafzai năm 2012 (2 năm sau đó cô này được trao giải Nobel Hòa bình). Peshawar là địa điểm thường xuyên hứng chịu các cuộc tấn công của TTP, nhóm mà Mỹ đã liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.

Lực lượng an ninh Pakistan đã làm suy yếu đáng kể TTP, tiêu diệt phần lớn giới lãnh đạo của họ trong một loạt chiến dịch quân sự từ năm 2014 đến nay tại các khu vực bộ lạc, đồng thời đẩy đa số các tay súng sang Afghanistan. Tuy nhiên, TTP đã hưởng lợi từ việc phong trào Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan từ tay chính quyền do Mỹ hậu thuẫn vào năm 2021. Chuyên gia Madiha Afzal tại Viện Brookings (Mỹ) cho rằng chiến thắng đó của Taliban đã “khuyến khích” TTP và các nhóm khủng bố khác.

Chính phủ Pakistan đã nỗ lực tổ chức các cuộc hòa đàm với TTP, dẫn tới sự ra đời của lệnh ngừng bắn kéo dài trong nhiều tháng trước khi đổ vỡ hồi cuối năm ngoái. Khi đó, TTP đã tái khởi động các cuộc tấn công nhắm vào người Pakistan. Phía Pakistan cho rằng dàn “chóp bu” TTP được bảo vệ tại Afghanistan nhưng chính quyền Taliban phủ nhận điều này. Việc TTP đẩy mạnh các cuộc tấn công cũng đã làm gia tăng căng thẳng giữa Islamabad và chính quyền Taliban. Làn sóng tấn công của TTP chủ yếu nhắm vào Pakistan, không như mối đe dọa lớn khác trong khu vực là tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

IS-K

IS có một nhánh tại Afghanistan mang tên IS-K. Chưa rõ mức độ kiểm soát của IS đối với IS-K, nhưng IS đã nhận trách nhiệm thực hiện các vụ tấn công ở Afghanistan và Pakistan.

Mục đích của IS là thành lập Vương quốc Hồi giáo trong khu vực. IS-K hoạt động tại Afghanistan tích cực hơn tại Pakistan. Một trong những vụ tấn công đáng chú ý của tổ chức này tại Pakistan là đánh bom nhà thờ của người Hồi giáo dòng Shiite ở Peshawar năm ngoái. Taliban cùng các “chân rết” bị IS-K coi là những tổ chức bội giáo, nên hai bên xem nhau như kẻ thù “không đội trời chung”. So với TTP, sự hiện diện của IS-K ở Pakistan khiêm tốn hơn nhiều nhưng họ có những thành viên hoạt động bí mật trong các thành phố.

Theo Báo cáo An ninh Pakistan 2022 được công bố hồi tháng rồi, số vụ tấn công khủng bố ở Pakistan đã tăng 27% so với năm trước đó. Trong 262 cuộc tấn công hồi năm 2022, có 86 vụ do TTP tiến hành.

Chia sẻ bài viết