|
Thủ tướng Putin (trái) và người đồng cấp Francois Fillon.
Ảnh: EPA |
Thủ tướng Nga Vladimir Putin vừa kết thúc chuyến công du Pháp theo lời mời của người đồng cấp nước chủ nhà Francois Fillon. Dù ông chủ cũ của Điện Kremlin không có sự tiếp đón của Tổng thống Nicolas Sarkozy, người đang bận công cán tại Brazil và Trinidad & Tobago, nhưng chuyến đi này (diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-11 vừa qua) lại có ý nghĩa quan trọng, nâng tầm quan hệ giữa hai nước thông qua hàng chục thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, xe hơi, môi trường, lao động và văn hóa.
Hiện nay, Pháp là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Nga với số vốn lên tới 10 tỉ USD (tính từ cuối tháng 3-2009). Kim ngạch thương mại song phương Nga-Pháp năm ngoái tăng mạnh đến 35,3%, đạt 22,2 tỉ USD, trong đó xuất khẩu của Nga tăng 40,4%, đạt 12,2 tỉ USD, đưa Pháp trở thành đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Nga, sau Đức, Italia, Hà Lan và Ba Lan. Giá trị xuất khẩu của Nga sang Pháp tăng nhanh chủ yếu nhờ vào khí đốt, khi mà Nga đảm bảo 14% nhu cầu lượng khí đốt tiêu thụ của người dân nước Pháp.
Có thể nói, khí đốt là mặt hàng xuất khẩu số một của Nga, chiếm 24% trữ lượng thế giới. Các công ty năng lượng Pháp cũng được lợi từ nguồn khí đốt của Nga. Chẳng hạn, tập đoàn Gazprom của Nga đã chọn công ty Total của Pháp làm một trong những đối tác đầu tư vào mỏ khí đốt Shtokman, một trong những mỏ khí đốt lớn nhất hành tinh tại Nga. Gazprom cũng đã chính thức mời hai công ty điện năng và khí đốt Pháp EDF và GD-Suez tham gia hai dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt South Stream và North Stream từ Nga trực tiếp tới châu Âu. Hai dự án này dù ban đầu bị một số nước châu Âu phản đối, nhưng vừa được tất cả các nước có liên quan đồng ý hợp tác và sẽ sớm được triển khai thực hiện, giúp đảm bảo nguồn an ninh khí đốt ngày càng cấp thiết của Liên minh châu Âu (EU).
Không chỉ trên lĩnh vực khí đốt, Nga còn tạo cơ hội đầu tư cho ngành công nghiệp Pháp. Hãng chế tạo xe hơi Renault của Pháp năm 2008 đã được phép mua 25% cổ phần trị giá 1 tỉ USD của nhà sản xuất ô-tô lớn Avtovaz của Nga với nhãn hiệu Lada. Avtovaz đang tiếp tục kêu gọi Renault mở rộng đầu tư nhằm giúp họ tái cơ cấu, tránh nguy cơ bị phá sản vì nợ nần chồng chất.
Một trong những vấn đề thu hút sự chú ý nhất của dư luận trong chuyến thăm Paris lần này của Thủ tướng Putin là khả năng Pháp bán cho hải quân Nga tàu sân bay lớp Mistral giúp vận chuyển và triển khai nhanh 16 trực thăng, 70 xe quân sự, 450 binh lính, được trang bị một bệnh viện 69 giường và có thể sử dụng làm trung tâm chỉ huy trên biển. Cứ mỗi con tàu rất hiện đại này sẽ giúp Pháp thu về khoản ngoại tệ 750 triệu USD. Trong lịch sử, quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng lớn nhất nhì thế giới như Nga chưa bao giờ bỏ tiền túi ra mua chiếc tàu chiến như vậy của nước khác, đặc biệt là một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Pháp. Trong khi đó, nhiều nước EU, NATO và các đồng minh của hai khối này đã bày tỏ sự lo ngại ý đồ và tham vọng của Nga khi muốn tiếp cận tàu Mistral. Cho nên, Paris vẫn còn do dự, khiến chuyến đi của ông Putin chưa tạo được đột phá trong quan hệ Nga-Pháp.
Dẫu vậy, cơ hội thúc đẩy quan hệ Nga-Pháp phát triển vẫn còn ở phía trước, khi Tổng thống Sarkozy và Tổng thống Medvedev thực hiện các chuyến thăm qua lại vào năm tới, nhân sự kiện Năm nước Nga tại Pháp và Năm nước Pháp tại Nga.
PHÚC NGUYÊN
(Theo RIA Novosti, Bloomberg, Le Monde, AFP, Reuters)