|
Bà Aung San Suu Kyi (phải) và Ngoại trưởng Clinton trong cuộc gặp tại Rangon ngày 2-12. Ảnh: AP |
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua đã có cuộc gặp chính thức với nữ thủ lĩnh phe đối lập Aung San Suu Kyi tại thành phố Rangon và kết thúc tốt đẹp chuyến thăm lịch sử 3 ngày tại Myanmar, mở ra cơ hội thúc đẩy quan hệ giữa hai nước vốn còn nhiều vấn đề trở ngại và gây tranh cãi.
Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, nhà lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đối lập ở Myanmar nói rằng đây là thời điểm lịch sử để hai nước có thể xây dựng tương lai mới, thúc đẩy tiến trình nối lại các mối quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau kể từ khi Myanmar bắt đầu nền độc lập, chấm dứt chế độ đô hộ của thực Anh năm 1948. “Tôi rất tin tưởng rằng nếu chúng ta hợp tác với nhau thì sẽ không có việc Myanmar từ bỏ con đường dân chủ ở phía trước”, bà Suu Kyi tuyên bố. Nhà hoạt động dân chủ 66 tuổi này cho rằng chính quyền dân sự của Tổng thống Thein Sein được quân đội hậu thuẫn hiện nay còn nhiều việc phải làm hơn nữa, nhưng bà đặt niềm tin vào tiến trình cải cách ở Myanmar.
Về phần mình, cựu đệ nhất phu nhân Nhà Trắng bày tỏ mong muốn Mỹ sẽ hợp tác với các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và cả chính phủ Myanmar nhằm cải thiện điều kiện dân chủ ở nước này. Trước đó, tại cuộc gặp với Tổng thống Thein Sein ở Thủ đô Naypyidaw hôm 1-12, bà Clinton tuyên bố Mỹ sẽ nới lỏng các quy định nghiêm ngặt về cấm Myanmar tiếp cận các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các chương trình viện trợ khác của Liên Hiệp Quốc. Mỹ cũng mời Myanmar tham gia Sáng kiến Hạ vùng Mekong (LMI) với tư cách quan sát viên. Đây là chương trình do Mỹ đề xuất về hợp tác trong lĩnh vực y tế và môi trường tại các nước Đông Nam Á.
Bà Clinton còn cho biết Mỹ sẽ xem xét nới lỏng và hướng tới xóa bỏ chính sách cấm vận riêng chống Myanmar (về nhập khẩu vũ khí, xuất khẩu hàng hóa và đá quý, viện trợ, chuyển tiền...), cũng như tăng cường quan hệ (trong đó có việc nâng cấp quan hệ ngoại giao). Tuy nhiên, bà cũng đặt một số điều kiện cho việc cải thiện quan hệ song phương đối với chính phủ Myanmar, trong đó có việc chính phủ của Tổng thống Thein Sein phải chấm dứt các xung đột sắc tộc.
Về phần mình, Tổng thống Thein Sein hoan nghênh chuyến thăm của Ngoại trưởng Clinton, nhấn mạnh đây là “chuyến thăm mang tính lịch sử và là một chương mới trong quan hệ hai nước”. Tổng thống Thein Sein tái khẳng định quyết tâm của Chính phủ Myanmar đẩy nhanh tiến trình cải cách, chủ trương hòa hợp dân tộc, thiết lập và giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp với mọi quốc gia trên thế giới.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)