19/09/2024 - 06:53

Bí ẩn loạt vụ nổ máy nhắn tin gây chấn động Lebanon 

Trong vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin của phong trào Hezbollah ngày 17-9, các chuyên gia đặt ra giả thuyết về một “cuộc tấn công vào chuỗi cung ứng”, trong đó một lô hàng máy nhắn tin đang trên đường đến Lebanon có thể đã bị chặn lại và cấy vào một lượng nhỏ thuốc nổ.

Các nạn nhân bị thương do máy nhắn tin phát nổ được cấp cứu ở Lebanon. Ảnh: AFP

Hàng ngàn máy nhắn tin của các thành viên Hezbollah và những người khác đã phát nổ trên khắp Lebanon và Syria vào chiều 17-9, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và khoảng 3.000 người bị thương, trong đó có 200 trường hợp nguy kịch. Hezbollah đổ lỗi cho Israel về các vụ nổ và thề sẽ “trừng phạt thích đáng” nước này, nhưng Tel Aviv chưa lên tiếng.

Hồi đầu năm, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã cảnh báo các thành viên của nhóm vũ trang này không được mang theo điện thoại di động để tránh bị Israel theo dõi. Do đó, nhóm chuyển sang sử dụng máy nhắn tin để liên lạc.

Máy nhắn tin là thiết bị viễn thông không dây, nhận và hiển thị tin nhắn văn bản, hoặc phát tin nhắn thoại. Không có hệ thống định vị toàn cầu (GPS), không có micrô hoặc máy ảnh và khả năng phát văn bản rất hạn chế, máy nhắn tin có “bề mặt tấn công” nhỏ hơn điện thoại thông minh, khiến chúng khó bị tấn công mạng hơn.

Một thành viên Hezbollah tiết lộ các thiết bị phát nổ vừa rồi là mẫu máy nhắn tin mới mà nhóm chưa từng sử dụng. Những máy nhắn tin liên quan nằm trong lô hàng 5.000 chiếc được sản xuất tại Đài Loan bởi công ty Gold Apollo. Khoảng 3.000 máy trong số đó là mẫu AR-924, ngoài ra còn có ba mẫu khác. Chưa rõ thời điểm Hezbollah đặt mua và nhận số máy nhắn tin. Nhóm đã phân phối những thiết bị này tới thành viên ở Lebanon và một số đồng minh ở Iran, Syria.

Xâm nhập “ở cấp độ sản xuất”

Trong bối cảnh có ít thông tin về nguyên nhân, nhiều giả thuyết đã xuất hiện về cách thức thực hiện cuộc tấn công, trong đó có “sự can thiệp vào chuỗi cung ứng”.

Theo hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ, các thiết bị nổ chỉ nặng khoảng 30-50 gram và kíp nổ có thể đã được cài sẵn vào máy nhắn tin, trước khi chúng được chuyển cho các thành viên Hezbollah. Sau đó, đối phương sẽ kích hoạt thiết bị nổ từ xa cùng một lúc. Ở vụ nổ vừa rồi, những máy bị can thiệp đã nhận tin nhắn kích hoạt thiết bị bên trong và phát ra tiếng bíp vài giây trước khi nổ.

Nhiều chuyên gia quân sự và an ninh cũng nhận định sự việc do vật liệu nổ cài trong máy gây ra, sau khi xem video ghi lại hiện trường.

Một nguồn tin an ninh nói rằng có tới 3 gram chất nổ được giấu trong các máy nhắn tin mới và Hezbollah đã “không phát hiện” trong nhiều tháng.

Nghi ngờ đổ dồn về phía Israel

Sean Moorhouse, cựu sĩ quan quân đội Anh và là chuyên gia xử lý bom mìn, cho rằng cơ quan tình báo Mossad của Israel là bên đáng ngờ nhất vì họ có đủ nguồn lực thực hiện cuộc tấn công tinh vi như vậy.

Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ am hiểu vấn đề và nguồn tin an ninh cấp cao Lebanon cũng chỉ tay về phía Mossad. “Mossad đã cài một bảng mạch chứa vật liệu nổ có thể nhận mã vào bên trong thiết bị. Rất khó để phát hiện nó bằng bất kỳ công cụ nào, thậm chí là máy quét”, nguồn tin Lebanon cho biết.

“Israel đã nhiều lần thể hiện khả năng thực hiện các hoạt động bí mật và cuộc tấn công này là minh chứng cho điều đó”, cựu Giám đốc tình báo quân sự Israel Amos Yadlin nói với tờ Economic Times. Ông cho biết vụ việc lần này được thiết kế để “truyền thông điệp” tới giới lãnh đạo Hezbollah rằng Israel có thể tấn công nhóm theo ý muốn.

Trong khi đó, Hezbollah thừa nhận đây là “sự cố an ninh lớn nhất” mà nhóm đối mặt sau gần một năm leo thang đụng độ với Israel.

Gold Apollo phủ nhận sự liên quan

Ngày 18-9, ông Hsu Ching-Kuang, nhà sáng lập Gold Apollo, đã phủ nhận mọi sự liên quan, tuyên bố rằng công ty đến từ Đài Loan này không sản xuất máy nhắn tin được sử dụng trong các vụ nổ ở Lebanon. Thay vào đó, một hãng mang tên BAC đóng ở thủ đô Budapest của Hungary có quyền sử dụng thương hiệu Gold Apollo chịu trách nhiệm sản xuất chúng. Ông Hsu cho biết Gold Apollo là nạn nhân của vụ việc và có kế hoạch kiện bên được cấp phép. Trong tuyên bố cùng ngày, cơ quan quản lý tài chính Ðài Loan khẳng định không có hồ sơ nào ghi nhận việc xuất khẩu trực tiếp máy nhắn tin từ hòn đảo này sang Lebanon.


HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết