24/01/2013 - 09:52

HĐBA LHQ thông qua nghị quyết mở rộng trừng phạt Triều Tiên

Bình Nhưỡng dọa tăng cường khả năng răn đe hạt nhân

Vụ phóng tên lửa Unha-3 của CHDCND Triều Tiên hồi tháng 12 năm ngoái.
Ảnh: AP/KCNA 

Sau bản dự thảo được Mỹ đưa ra hôm 22-1, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) hôm 23-1 đã bỏ phiếu nhất trí nghị quyết lên án vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên hồi tháng 12 vừa qua, đồng thời thắt chặt các biện pháp trừng phạt hiện có đối với chính quyền Bình Nhưỡng.

Theo các nguồn tin ngoại giao, nghị quyết được 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an thông qua là kết quả của một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo đó kêu gọi mở rộng trừng phạt thêm 6 thực thể của CHDCND Triều Tiên, bao gồm Ủy ban Công nghệ Vũ trụ Triều Tiên cùng nhân vật đứng đầu Paek Chang-ho, Ngân hàng Bank of East Land, Tập đoàn thương mại Korea Kumryong, Tập đoàn Thương mại Công nghệ Tosong, Công ty liên doanh Máy móc Korea Ryonha, và trụ sở đại lý vũ khí chính của Bắc Triều Tiên tại Hong Kong. Các tổ chức nằm trong "danh sách đen" sẽ bị phong tỏa tài sản quốc tế, trong khi những cá nhân sẽ phải đối mặt với một lệnh cấm đi lại trên toàn cầu.

Nội dung nghị quyết còn "lên án các hành vi vi phạm" của Bắc Triều Tiên đối với các nghị quyết cấm phát triển công nghệ tên lửa và hạt nhân sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng năm 2006 và 2009, cũng như cấm nhập khẩu nguyên liệu và công nghệ hỗ trợ các chương trình này do HĐBA áp đặt trước đây. Do đó, nghị quyết đưa ra lưu ý rằng HĐBA sẽ "thể hiện quyết tâm hơn nữa trong trường hợp CHDCND vẫn tiếp tục thử hạt nhân".

Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice cho biết rất hoan nghênh và mô tả nghị quyết với tính thống nhất và ý nghĩa có thể cho chính quyền Bình Nhưỡng thấy hậu quả khi "vi phạm trắng trợn các nghĩa vụ của mình". Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh cho rằng HĐBA cần bảo đảm tính thận trọng, cân nhắc những hiệu quả khi thông qua nghị quyết về Bắc Triều Tiên, và nói thêm đây là cách tốt nhất để đảm bảo căng thẳng trong khu vực không leo thang hơn nữa. Một số nhà ngoại giao cho rằng "động thái này của Trung Quốc là rất quan trọng" để gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Bình Nhưỡng.

Trong động thái phản ứng ngay sau đó, CHDCND Triều Tiên tuyên bố đàm phán 6 bên (bao gồm CHDCND Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc nhằm nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình và an ninh trước những tuyên bố sở hữu chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng bị đình trệ từ tháng 12-2008) đã "kết thúc" và chính quyền nước này sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc đối thoại nào nữa xung quanh vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng còn đưa ra cảnh báo sẽ tăng cường khả năng quân sự và chiến lược răn đe hạt nhân nhằm đối phó với "sự thù địch" từ phía Mỹ. Phát biểu với hãng thông tấn nhà nước KCNA, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên nói rằng: "Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là không thể. Chúng tôi sẽ có biện pháp để thúc đẩy và tăng cường sức mạnh phòng thủ quân sự, bao gồm khả năng sử dụng lá chắn hạt nhân".

Đối với vụ phóng tên lửa hồi tháng 12, Bình Nhưỡng khẳng định mục đích chỉ đưa một vệ tinh vào không gian, nhưng Mỹ và các nước đồng minh cáo buộc là “vỏ bọc cho một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa”.

Trước phản ứng của Triều Tiên, Hàn Quốc đã bày tỏ "rất lấy làm tiếc" về tuyên bố tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của Bình Nhưỡng. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Seoul sáng 23-1, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về tuyên bố của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng đưa ra những đe dọa mang tính khiêu khích và cần nỗ lực phi hạt nhân hóa thông qua các hành động cụ thể". Trước đó, phát ngôn viên Park Sun Kyoo của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Park Geun Hye cũng nói rằng việc Bắc Triều Tiên trở thành quốc gia hạt nhân là "không thể chấp nhận được dưới bất kỳ tình huống nào", và tuyên bố sẽ "sẵn sàng đáp trả mọi hành động khiêu khích liều lĩnh" của miền Bắc trong thời gian tới.

VI VI (Theo Reuters, AP, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết