 |
Xác một xe tăng của quân đội Xô-viết hiện còn nằm tại ngoại ô Thủ đô Kabul của Afghanistan.
Ảnh: AFP |
Cách đây 20 năm, ngày 15-2-1989, những binh sĩ cuối cùng của Liên Xô rút khỏi Afghanistan sau 9 năm làm nhiệm vụ “gìn giữ hòa bình”. Để kỷ niệm “ngày lịch sử” này, nhiều nơi tại Nga và các nước cộng hòa trực thuộc Liên bang Xô-viết trước đây, người ta đến đặt hoa lên mộ những người lính đã hy sinh tại vùng đất máu lửa đó. Theo số liệu thống kê, sứ mạng hỗ trợ an ninh của 120.000 binh sĩ Liên Xô cùng với 300.000 quân chính phủ Afghanistan chống lại lực lượng phiến quân Hồi giáo cực đoan đã kết thúc trong thất bại, làm khoảng 15.000 binh sĩ Xô-viết và 1 triệu người Afghanistan, trong đó phần lớn là dân thường, thiệt mạng. Khoảng 5 triệu người Afghanistan phải sang Pakistan và Iran lánh nạn. Với người Nga, chiến trường Afghanistan năm xưa là một bài học đau đớn. Nước Nga cay cú vì trong thất bại nặng nề này có bàn tay từ kình địch Mỹ (và cả Pakistan) đứng đằng sau tiếp sức cho quân Hồi giáo cực đoan, lực lượng mà lúc đó chỉ kiểm soát các vùng nông thôn.
Còn hiện nay, cũng sứ mạng hỗ trợ an ninh ấy nhưng được dẫn dắt bởi phương Tây. Tuy nhiên, lực lượng “giữ gìn hòa bình” do Mỹ dẫn đầu (kể cả kế hoạch tăng quân sắp tới của chính quyền Tổng thống Barack Obama) vẫn ít hơn so với binh sĩ Liên Xô trước đây. Trong khi đó, tàn quân Taliban đang nắm thế chủ động và kiểm soát hơn 70% lãnh thổ Afghanistan, ngoại trừ các trung tâm thành phố lớn. Taliban hiện nay cũng nhận được sự hậu thuẫn từ bên ngoài, có thể là Iran và Pakistan.
Mát-xcơ-va không trả đũa Washington vì những hành động trong quá khứ. Trái lại, Nga còn mở cửa không phận cho hàng hóa phi quân sự của Mỹ quá cảnh để vào Afghanistan. Chỉ có điều Nga tìm cách bít đường tiếp tế của Mỹ từ Trung Á (thuyết phục Kyrgyzstan đóng cửa căn cứ quân sự Manas của Lầu Năm Góc), buộc họ phải lệ thuộc hơn vào Nga. Theo giới phân tích, Nga cần Mỹ trong cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan nhằm ngăn ngừa các thế lực này phát triển sang Trung Á. Mặt khác, khi Mỹ bị “níu chân” ở vũng lầy Afghanistan thì sẽ ít có khả năng gây ảnh hưởng tại Trung Á, khu vực được coi là “sân sau” của Nga.
Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại Afghanistan đã kéo dài gần 8 năm mà vẫn chưa thấy đâu là hồi kết. Bài học 20 năm trước của Liên Xô xem ra vẫn còn nóng hổi tính thời sự.
KIẾN HÒA
(Theo RIA Novosti, Csmonitor)