15/12/2019 - 08:55

Anh trở thành đối thủ kinh tế của EU 

Kết quả cuối cùng của cuộc tổng tuyển cử ở Anh cho thấy đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson đã giành được 365 ghế trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện. Với kết quả áp đảo này, đảng Bảo thủ đã đảm bảo thế đa số tuyệt đối tại Hạ viện khi vượt quá mức 326 ghế theo quy định, qua đó được trao quyền tự đứng ra thành lập chính phủ mới mà không cần liên minh với các chính đảng khác.

Thủ tướng Johnson phát biểu sau chiến thắng vang dội của đảng Bảo thủ cầm quyền. Ảnh: Bloomberg

Về thứ 2 trong cuộc bầu cử này là Công đảng - đảng đối lập lớn nhất để mất 59 ghế và chỉ còn 203 ghế, tiếp đến là đảng Dân tộc Scotland (SNP) 48 ghế, đảng Dân chủ Tự do  11 ghế và đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) được 8 ghế. Số ghế còn lại thuộc về các đảng nhỏ khác.

Chiến thắng vang dội của đảng Bảo thủ sẽ dọn đường cho tiến trình Brexit - Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - đúng thời hạn vào ngày 31-1-2020 sau hai lần trì hoãn và nhiều năm bế tắc chính trị. 

Lập lại trật tự quyền lực

Với chiến thắng ấn tượng nhất trong lịch sử của đảng Bảo thủ kể từ năm 1987,  Thủ tướng Johnson sẽ đưa đảng này quay trở lại chi phối tại Hạ viện, lập lại trật tự, quyền lực thực sự của thủ tướng và chính phủ tại Hạ viện. Việc đảng Bảo thủ giành lại được nhiều ghế tại các khu vực nghèo ở nước Anh cho thấy đảng này tiến đến đại diện quyền lợi cho cả tầng lấp trung lưu bậc thấp và những người lao động, hướng tới “đảng Bảo thủ của chung dân tộc”,  tăng chi tiêu công, đầu tư cơ sở hạ tầng và thay đổi bản chất của đảng này theo hướng xã hội ôn hòa. 

Thách thức của đảng Bảo thủ lúc này là làm sao xây dựng được vị thế mới của nước Anh trên bản đồ địa chính trị thế giới, cũng như hoạch định đường hướng phát triển kinh tế của Anh trong những năm tới.

Trước mắt, với lợi thế số ghế nhiều hơn quá bán rất lớn tại quốc hội,  Thủ tướng Johnson sẽ dễ dàng thông qua các kế hoạch của chính phủ tại Hạ viện nhằm thúc đẩy nhanh quá trình thông qua Brexit. Quan hệ Anh và EU dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Johnson trong nhiệm kỳ tới sẽ là mối quan hệ “lỏng lẻo hơn” so với đề xuất trước đây của cựu Thủ tướng Theresa May. Điểm nhấn trong phác thảo tương lai quan hệ Anh - EU của ông Johnson đó là Luân Đôn sẽ lấy lại quyền kiểm soát về mặt pháp luật, tiền tệ, chính sách thương mại và nhập cư.

Những đề xuất của Thủ tướng Johnson về tương lai quan hệ với EU đối với thỏa thuận thương mại tự do có thể hiểu giống như mô hình hợp tác giữa EU và Canada hiện nay nhưng “ít toàn diện hơn” so với thỏa thuận thương mại của Canada với EU. Thỏa thuận thương mại tự do Canada-EU khá hấp dẫn khi hai bên cam kết cắt giảm 98% dòng thuế hàng hóa.

Cái giá không dễ trả

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi lời chúc mừng Thủ tướng Boris Johnson và cho rằng chiến thắng của “đồng minh” Anh là một sự báo hiệu cho cơ hội chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ông chủ Nhà Trắng cho biết Luân Đôn và Washington có thể đạt được một “thỏa thuận thương mại lớn” hậu Brexit.

Thủ tướng Johnson từng tuyên bố sẽ đưa Anh ra khỏi EU “bằng mọi giá”. Nhưng cái giá mà Luân Đôn có nguy cơ phải trả thì không thể lường trước. EU luôn tỏ rõ kiên quyết sẽ không để cho Anh hào phóng tiếp cận thị trường EU nếu như ông Johnson cứ khăng khăng với kế hoạch khác biệt so với những quy định, tiêu chí hiện hành của EU. 

Việc đảng Bảo thủ thắng lớn trong cuộc bầu cử được các nhà lãnh đạo EU mong đợi. Nhưng vấn đề không phải là Brussels ủng hộ đảng Bảo thủ hay Công đảng, mà họ mừng vì thấy con đường Brexit phía trước trở nên rõ ràng hơn và tình trạng bất định lâu nay sẽ chấm dứt. Một kỳ vọng nữa mà giới chức lãnh đạo EU đang trông đợi đó là Thủ tướng Johnson có thể phớt lờ những yêu cầu của những người thuộc phái hoài nghi châu Âu cực đoan trong đảng mình và xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với châu Âu trong tương lai.

Có điều đối với EU và các chuyên gia Anh, việc đạt được thỏa thuận tự do thương mại hậu Brexit trong vòng chưa đầy 1 năm là điều không thể. Thỏa thuận thương mại giữa Canada và EU đã phải mất 7 năm đàm phán mới kết thúc. Trong khi đó, giới lãnh đạo EU vừa gọi Anh là đối thủ chứ không còn là đối tác nữa. Phát biểu tại cuộc họp ở Brussels hôm 13-12, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng Anh sẽ trở thành “một đối thủ kinh tế ở cửa ngõ của EU” trong giai đoạn hậu Brexit. Do vậy, Anh có thể không đạt được thỏa thuận tự do thương mại theo ý muốn với EU, hoặc là sẽ chỉ đạt được một thỏa thuận thương mại có giới hạn. Nếu điều này xảy ra thì Brexit lại bước vào một cuộc khủng hoảng mới có thể là vào cuối năm 2020. 

Đối với tương lai của Liên hiệp Vương quốc Anh, việc đảng Bảo thủ giành chiến thắng đại đa số tại Hạ viện sẽ khiến đảng Dân tộc Scotland (SNP) - vốn có quan điểm chống Brexit - nắm giữ ghế đại diện của mình tại vùng phía Bắc đường biên giới sẽ tăng sức ép về cuộc trưng cầu dân ý độc lập Scotland lần hai. Mặt khác, thỏa thuận rút khỏi EU của ông Johnson tạo ra đường biên giới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của nước Anh, sẽ kích động những người theo chủ nghĩa dân tộc Ireland đòi tiến hành trưng cầu dân ý về thống nhất Bắc, Nam trên đảo Ireland. 

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết