13/05/2020 - 08:29

Anh bối rối nới lỏng cách ly xã hội 

Cập nhật khẩu hiệu mới, nhưng chiến lược chống COVID-19 của Anh bị cho khiến người dân hoang mang trong bối cảnh nước này chuẩn bị nới giãn cách xã hội.

Hôm 10-5, Thủ tướng Boris Johnson ra thông điệp "Stay Alert, Control the virus, Save lives" (tạm dịch: Cảnh giác, Kiểm soát virus, Cứu sống sinh mạng) thay cho mục tiêu "Stay home, Protect NHS, Save lives (Ở nhà, Bảo vệ Hệ thống Y tế công và Cứu sống sinh mạng).

Thông điệp mới của Thủ tướng Johnson trở thành chủ đề gây tranh cãi trên mặt báo. Ảnh: Guardian

Theo đó, người dân được phép ra ngoài tập thể dục không giới hạn thay vì một lần/ngày như trước đây, mở rộng phạm vi tiếp xúc ngoài trời với người không phải thành viên gia đình miễn đảm bảo cự ly an toàn 2m. Mọi người được quyền di chuyển bằng phương tiện cá nhân như ô tô, nhưng phải duy trì khoảng cách khi tới nơi và không ở lại qua đêm.

Theo lộ trình, một số cửa hàng dự kiến mở cửa lại vào tháng 6 và học sinh có thể đến trường tùy độ tuổi. Đặc biệt, Chính phủ Anh lần đầu tiên kêu gọi người dân đeo khẩu trang nơi công cộng. Thông báo cũng yêu cầu mọi hành khách quốc tế không nằm trong danh sách miễn trừ ngắn hạn sau khi nhập cảnh tự cách ly 14 ngày. Kể từ 13-5, mức phạt đối với người vi phạm hoặc không tuân theo hướng dẫn giãn cách xã hội tăng từ 74 USD lên 123 USD. Tiền phạt sẽ gấp đôi cho mỗi lần vi phạm tiếp theo, tối đa lên tới 3.950 USD.

Ngoài ra, theo ý của Thủ tướng Johnson, người không thể làm việc từ xa có thể trở lại công sở nhưng không nói rõ nhóm đối tượng nào, thời gian cụ thể hay biện pháp giúp chủ lao động đảm bảo an toàn cho nhân viên. Mâu thuẫn nữa là tuy cho phép đi làm trở lại, thủ tướng đồng thời kêu gọi người dân hạn chế tham gia giao thông công cộng. "Chúng ta đã bắt đầu vượt qua đỉnh dịch và bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất của cuộc chiến chống COVID-19, bất cứ nước đi sai nào cũng có thể dẫn đến thảm họa" - Thủ tướng Johnson phát biểu tại Hạ viện.

Kết quả thăm dò của YouGov công bố hôm 11-5 cho thấy, chỉ 30% người dân Anh hiểu khẩu hiệu mới yêu cầu họ làm gì so với tỷ lệ 91% công chúng nắm rõ thông điệp trước kia. Khảo sát trên hơn 6.500 đối tượng còn cho thấy 43% phản đối kế hoạch mới của chính phủ.

Trong email gởi CNBC News, chuyên gia lĩnh vực quan hệ công chúng Christopher Rickwood nói rằng "thật vô nghĩa" khi Anh làm mới thông điệp chống COVID-19 dù tình hình không thay đổi. Anh có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu và đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ) với hơn 32 ngàn trường hợp. Theo ông Rickwood, thông điệp mới có thể gây lẫn lộn và khiến người dân ảo tưởng lạc quan về tình hình chống dịch trong khi thực tế lại không tiến triển gì mấy.

Sự mơ hồ cùng với việc Ngoại trưởng Anh Dominic Raab sáng 11-5 thay đổi khuyến cáo của chính phủ 3 lần chỉ trong một tiếng đồng hồ trở thành đề tài chỉ trích của các đảng đối lập và công đoàn trong nước. Theo lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer, điều mà nước Anh tìm kiếm hiện nay là sự rõ ràng và đồng thuận. Nhưng hướng dẫn nhập nhằng của chính phủ thực tế chưa giải đáp thỏa đáng nghi vấn của người dân về đảm bảo an toàn. Trong khi đó, Tổng Thư ký Đại hội Công đoàn Anh Frances O'Grady cho rằng Thủ tướng Johnson đang đẩy mọi thứ vào hỗn loạn. Không chỉ gây khó hiểu, lỗ hổng trong chiến lược mới nhằm mở cửa trở lại kinh tế còn dựng lên mâu thuẫn giữa Luân Đôn với các vùng khác của nước Anh khi Thủ hiến Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland tuyên bố duy trì giãn cách xã hội thay vì chạy theo khuyến cáo mới từ Số 10 phố Downing.

MAI QUYÊN (Theo Al Jazeera, NYT)

Chia sẻ bài viết