29/11/2023 - 22:37

Ấn Độ tăng cường tàu sân bay 

Trích một số nguồn tin thân cận, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) vừa cho biết Ấn Ðộ đang chuẩn bị đóng thêm tàu sân bay trị giá 4,8 tỉ USD. Ðộng thái này diễn ra trong bối cảnh Hải quân Trung Quốc ngày càng chú trọng thiết lập hiện diện trong khu vực.

Tàu sân bay nội địa đầu tiên INS Vikrant của Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Tàu sân bay nội địa đầu tiên INS Vikrant của Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Hiện hạm đội của Ấn Ðộ có 2 tàu sân bay, 10 tàu khu trục lớn, 12 tàu khu trục nhỏ và 20 tàu hộ tống. Ngoài ra, hơn 60 tàu của hải quân đang ở các giai đoạn đóng khác nhau. Ðể tăng cường khả năng tác chiến, một số nguồn tin tiết lộ Hội đồng Mua sắm Quốc phòng Ấn Ðộ (DAC) dự kiến thông qua kế hoạch mua sắm tàu sân bay nội địa thứ 2 vào cuối tuần này. Thông tin cho biết, tàu có chiều dài 284m và lượng giãn nước 45.000 tấn. Phần boong được thiết kế có thể chở ít nhất 28 máy bay chiến đấu và trực thăng, bao gồm tiêm kích Rafale của Pháp. Ngoài tàu sân bay, DCA dự kiến xem xét đề xuất mua máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas LCA Mark-I và nâng cấp 84 chiếc tiêm kích Su-30MKI.

Trước đây, Hải quân Ấn Ðộ chỉ có duy nhất tàu sân bay INS Vikramaditya được mua từ Nga. Cho đến năm ngoái, nước này đã đưa vào vận hành tàu sân bay nội địa đầu tiên INS Vikrant, đưa Ấn Ðộ vào nhóm các quốc gia có khả năng chế tạo và triển khai tàu sân bay. INS Vikrant dài 262m, rộng 62m và có lượng giãn nước xấp xỉ 43.000 tấn khi đầy tải. Với tốc độ tối đa 51,8 km/giờ và hoạt động liên tục 13.890km, tàu có thể chở thủy thủ đoàn khoảng 1.600 người và vận hành phi đội gồm 30 máy bay. INS Vikrant đã trải qua 4 giai đoạn thử nghiệm nghiêm ngặt để xác nhận tất cả các hệ thống trên tàu sẽ trở thành “sân bay nổi có chủ quyền”. Hải quân nước này cho biết INS Vikrant đã đủ tiêu chuẩn sẵn sàng triển khai.

Trong bối cảnh đó, Hải quân Ấn Ðộ đã đưa ra cái nhìn khái quát về hoạt động của nhiều tàu sân bay trong tương lai bằng cách triển khai tập trận phối hợp 2 nhóm tác chiến tàu sân bay ở Biển Arab.

Với việc đóng thêm tàu mới, hạm đội gồm 3 nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ giúp Hải quân Ấn Ðộ tăng cường đáng kể khả năng triển khai sức mạnh. Hạm đội lớn cũng cho phép nước này củng cố sự hiện diện ở Ấn Ðộ Dương, đồng thời mở rộng sức ảnh hưởng trên các vùng biển xa như eo biển Malacca, Vịnh Aden hay Vịnh Persic.

Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh các vùng ngoài khơi Ấn Ðộ chưa từng chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt như vậy kể từ Thế chiến thứ 2, khi Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh triển khai nhiều tàu chiến hơn đến khu vực. Theo các chuyên gia, Ấn Ðộ Dương đã bị quân sự hóa mạnh mẽ trong thời gian qua với khoảng 125 tàu hải quân đi lại trong vùng biển của Ấn Ðộ vào bất kỳ thời điểm nào, gần gấp 3 lần số lượng tàu được triển khai sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ.

Dự kiến đến năm 2030, Ấn Ðộ sẽ tăng số lượng tàu chiến lên 160 chiếc và 175 tàu vào năm 2035 với chi phí ước tính 24 tỉ USD. Hiện nước này cũng thực hiện nhiều cuộc tuần tra bằng tàu chiến hơn bao giờ hết giữa lúc có nhiều lo ngại về sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc. Là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, Trung Quốc hiện có 370 tàu chiến và tàu ngầm các loại. Ấn Ðộ cũng đã nâng cấp cơ sở đường băng tại Quần đảo Andaman và Nicobar, cho phép máy bay hạ cánh vào ban đêm. Ðây là một phần của nỗ lực nhằm giám sát chặt chẽ các eo biển hẹp Malacca, Sunda và Lombok ở Nam Ấn Ðộ Dương. Chuỗi đảo này được Ấn Ðộ và các đối tác sử dụng để giám sát hàng hải.

MAI QUYÊN (Theo Eurasian Times, Deccanherald)

Chia sẻ bài viết