19/09/2019 - 05:35

Ấn Độ nỗ lực duy trì ảnh hưởng khu vực trước Trung Quốc 

Kể từ khi giành chiến thắng lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5, Thủ tướng Narendra Modi đã có những bước tiến lớn trong việc thúc đẩy chiến lược đầy tham vọng là lôi kéo các nước láng giềng khỏi ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Modi (trái) và Tổng thống Maldives Solih. Ảnh: AP

Thủ tướng Ấn Độ Modi (trái) và Tổng thống Maldives Solih. Ảnh: AP

Với chính sách “Láng giềng trước tiên”, ông đang ra sức bảo vệ phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ tại Maldives, Sri Lanka, Bhutan, Nepal và Bangladesh trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng tại các nước này thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường-BRI”.

Tạo ảnh hưởng tại Maldives và Sri Lanka

Đầu tháng 8, Thủ tướng Modi đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử tới Maldives - chuỗi đảo nhỏ nằm giữa các tuyến đường hàng hải và năng lượng chính yếu trên Ấn Độ Dương. Với vị trí của Maldives, tăng cường hợp tác hàng hải vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông Modi trong nhiệm kỳ thứ hai. Theo đó, Ấn độ đã khánh thành hệ thống radar giám sát ven biển ở Maldives, đưa nước này vào một mạng lưới giám sát rộng lớn hơn gồm Sri Lanka, Mauritius, Madagascar và Seychelles.

Và để tạo ảnh hưởng tại Maldives, ông Modi đang tìm cách ngăn chặn các đối thủ có được quyền đồn trú hoặc thiết lập căn cứ giám sát tại nước này, giữa lúc Trung Quốc mở rộng sự hiện diện an ninh hàng hải trong khu vực. Kế hoạch của Thủ tướng Modi đã được Tổng thống Maldives Mohamed Ibrahim Solih “chắp cánh”. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 11-2018, Tổng thống Solih đã tìm cách xích lại gần với Ấn Độ sau khi quan hệ hai nước trở nên xấu đi dưới thời người tiền nhiệm thân Trung Quốc Yameen Abdul Gayoom.

Sau khi kết thúc chuyến thăm Maldives, Thủ tướng Modi tới Sri Lanka. Quốc gia với hơn 21 triệu dân này cũng nằm ở vị trí thuận lợi dọc theo các tuyến đường vận chuyển giữa Đông Nam Á và Trung Đông. Do đó, ông Modi cũng đã tìm cách tăng cường giám sát hàng hải với Sri Lanka, quốc đảo có ý nghĩa chiến lược đối với Ấn Độ.

Năm 2009, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Sri Lanka, giúp nước này tái thiết sau cuộc nội chiến kéo dài 26 năm. Chính “cơn khát” phát triển cơ sở hạ tầng của Sri Lanka đã mang lại nhiều cơ hội cạnh tranh đầu tư cho cả Trung Quốc và Ấn Độ. Đáng chú ý là nhiều dự án của hai nước khổng lồ châu Á tại Sri Lanka “chỏi nhau”. Chẳng hạn như tại cảng Colombo, Trung Quốc đã đầu tư 500 triệu USD xây dựng Cảng container quốc tế Colombo, trong khi Ấn Độ cùng Nhật Bản phối hợp với Cảng vụ Sri Lanka phát triển Cảng container phía Đông. Còn tại thành phố Hambantota, nơi Sri Lanka đã phải giao quyền quản lý cảng Hambantota cho các công ty Trung Quốc trong 99 năm để “trừ nợ”, tập đoàn Accord của Ấn Độ hồi tháng 3 cũng đã giành được hợp đồng xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá 3,85 tỉ USD. Đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lịch sử tại Sri Lanka. 

“Để mắt” tới Bhutan, Nepal và Bangladesh

Tọa lạc trên dãy Himalaya, Bhutan và Nepal là những quốc gia đệm quan trọng nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Bhutan là đồng minh thân cận nhất của Ấn Độ tại khu vực và là quốc gia duy nhất ở Nam Á “nói không” với sáng kiến BRI. Do lo ngại Bhutan cân nhắc việc tham gia vào các kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc, Thủ tướng Modi đã tìm cách đưa vương quốc  này ra khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh bằng cách thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng của New Delhi tại đây. Nhân chuyến thăm Bhutan vào trung tuần tháng 8, Thủ tướng Modi đã tham gia lễ khánh thành nhà máy điện Mangdechhu trị giá 624 triệu USD do Ấn Độ tài trợ, cũng như khai trương một trạm mặt đất nhằm truyền tải thông tin từ Vệ tinh Nam Á do Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ phóng lên quỹ đạo hồi năm 2017.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cuối tháng 8 đã đến Nepal để tham dự cuộc họp lần thứ 5 Ủy ban Hỗn hợp Nepal – Ấn Độ. Hiện Ấn Độ được xem là đối tác quốc tế quan trọng nhất của Nepal.

Và trước khi dừng chân tại Nepal, Ngoại trưởng Jaishankar đã đến Bangladesh với hy vọng đặt nền móng cho chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina vào tháng 10. Được xem là cầu nối giữa Ấn Độ và Myanmar, Bangladesh giữ vai trò quan trọng đối với chính sách “Hành động hướng Đông” vốn được hoạch định nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế và chính trị giữa New Delhi và các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, Bangladesh hồi năm 2016 đã ký các khoản vay trị giá 24 tỉ USD với Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng, khiến đất nước 164 triệu dân này rơi vào cuộc cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

TRÍ VĂN (Theo National Interest)

Chia sẻ bài viết