09/06/2013 - 09:14

Ấn Độ: Khủng hoảng năng lượng và “bóng dáng mafia” trong ngành than đá

Người dân địa phương lấy than từ khu mỏ lộ thiên ở quận Dhanbad thuộc bang Jharkhand miền Đông Ấn Độ.
Ảnh: Reuters

Trong một chuyên đề đặc biệt, hãng tin Anh Reuters đã tiết lộ kết quả rút ra sau các chuyến đi đến một số khu vực của Ấn Độ, qua đó phơi bày tình trạng tham nhũng lan rộng trong ngành than nước này mà hậu quả gây tác động không nhỏ đến tình trạng thiếu hụt năng lượng kinh niên của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á.

Thực trạng

Sự kiện “vua ngành than” Ấn Độ Suresh Singh hứng 7 phát đạn trong vụ ám sát tại bữa tiệc cưới ở thành phố miền Đông nước này là vụ thanh toán mới nhất trong thế giới ngầm giữa hai dòng họ có “máu mặt” trong ngành công nghiệp than đá. Theo thông tin từ phía cảnh sát, nạn nhân là một nhà kinh doanh than đá giàu có, một chính trị gia nhưng đồng thời cũng là “ông trùm” trong giới tội phạm. Vào thời điểm bị giết hại, đã có 14 cáo buộc hình sự chống lại Suresh Singh, trong đó có cả một vụ giết người.

Trong cuộc chiến giành lợi nhuận, cả hai thế lực đã đối đầu trong nhiều năm để kiểm soát các bản hợp đồng béo bở trong ngành công nghiệp than tại thành phố đổ nát Jharkhand miền Đông Ấn Độ- nơi có một số mỏ than trữ lượng lớn nhất đất nước. Các hoạt động kinh doanh bao gồm kiểm soát mạng lưới công đoàn và giao thông vận tải, thao túng thị trường, tống tiền, hối lộ và trộm cắp công khai. Theo lời của S. Narsing Rao - Chủ tịch Coal India - một trong những đơn vị khai thác than lớn nhất thế giới thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ, các “mafia ngành than” thậm chí đã vươn vòi bạch tuộc của chúng vào tập đoàn này.

Trong đó nổi bật là mối quan hệ lẩn quẩn giữa bọn tội phạm với cảnh sát, người dân nghèo, giới chính trị gia, các đoàn thể và quan chức Coal India. Những người công nhân trước hết phải trả một giá cắt cổ cho các tên trùm tội phạm để được tham gia vào nghiệp đoàn của họ, trong đó bao gồm hoạt động kiểm soát, tiếp cận việc làm. Không chỉ vậy, các đoàn thể còn áp đặt một khoản “thuế vô lương tâm” cố định cho mỗi tấn than trước khi được dỡ hàng. Trong khi phía người mua phải “chi” riêng cho các công ty khai thác than để có được loại than tốt nhất thì tổ chức tội phạm cũng bỏ ra một khoản phí không nhỏ cho phía công ty than, cảnh sát, chính trị gia và quan chức để “đền đáp” việc khai thác hoặc vận chuyển trái phép. Trong một tiết lộ đáng kinh ngạc, Chủ tịch Rao nói rằng ông biết một số cán bộ cấp dưới có liên quan đến hành vi trộm cắp nhưng phía công ty không thể kiểm soát tất cả những gì xảy ra sau khi xe tải rời hầm mỏ.

Reuters cho biết, các quan chức chính phủ cũng từng hứa hẹn đưa ra biện pháp hành động nhưng sau đó lập tức quên đi. Phát biểu trong một buổi phỏng vấn, Bộ trưởng Ngành than Ấn Độ Sriprakash Jaiswal nói rằng Cục Điều tra trung ương Ấn Độ (CBI) đã được huy động để triệt phá tội phạm mafia, song lại nhấn mạnh nhiệm vụ giải quyết chủ yếu vẫn phụ thuộc vào chính quyền địa phương. “Không có nghi ngờ gì về việc bọn mafia vẫn đang hoạt động trong ngành công nghiệp than đá. Tôi không nói rằng chính quyền các tiểu bang không hợp tác nhưng hệ thống cùng chính sách quản lý lại không đủ mạnh để đảm đương”- ông Jaiswa nói.

Trong một cuộc phỏng vấn khác, cảnh sát trưởng quận Dhandbad Suman Gupta chia sẻ: “Tôi biết những ai thuộc mafia, nhưng tôi không thể có hành động chống lại họ, vì những người này ngoài sức mạnh tài chính còn có mối quan hệ chính trị rất tốt”.

Hậu quả

Trong hàng chục năm qua, các “ông trùm” đã xây dựng đế chế mafia vững mạnh dựa trên mối quan hệ thân cận với các quan chức nên việc phá vỡ là điều không dễ dàng. Theo Reuters, rất khó để ước lượng chính xác ảnh hưởng mà các thế lực tạo ra do không có nhiều nghiên cứu trên diện rộng. Một cuộc điều tra đầu tiên về tác động kinh tế của giới tội phạm trong lĩnh vực than đã được tiến hành nhưng nhanh chóng phá sản. Tiết lộ nguyên nhân, một nhóm nghiên cứu cho biết quá trình điều tra quá nguy hiểm, vì vậy không thể để các nhân viên của mình phải trả giá đắt.

Nhưng Reuters cho rằng có thể khẳng định một điều, tình trạng tham nhũng, tội phạm và lãng phí đã và đang gây thiệt hại hết sức nặng nề cho nền kinh tế Ấn Độ. Theo Reuters, hậu quả trước mắt là năng suất lao động bị tụt giảm do tình trạng bãi công. Nghiêm trọng hơn, việc thiếu than đẩy các nhà máy điện mới được xây dựng trên khắp đất nước lâm vào tình trạng “nhàn rỗi”. Không chỉ vậy, ngày càng có nhiều công ty điện lực chuyển sang nhập khẩu than khi lượng tiêu thụ khoáng sản này nhập từ nước ngoài đã tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm dù trữ lượng than Ấn Độ lớn thứ 5 thế giới và đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước trong nhiều thập kỷ. Theo dự đoán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, việc nhập khẩu của Ấn Độ sẽ còn nhanh chóng tăng cao hơn bất cứ quốc gia nào khác.

   VI VI (Theo Reuters)

 

Người dân địa phương lấy than từ khu mỏ lộ thiên ở quận Dhanbad thuộc bang Jharkhand miền Đông Ấn Đ̕

Chia sẻ bài viết