24/10/2014 - 21:07

Áp lực bên trong

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) mỗi năm đều đóng góp ngân sách cho cơ quan điều hành là Ủy ban châu Âu (EC) dựa trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sau đó quyết toán tùy theo mức tăng trưởng kinh tế được quy định từ năm 1995. Năm nay, theo thông báo mới của EC, các nền kinh tế có mức tăng trưởng khá như Anh và Hà Lan lần lượt phải rót thêm 2,1 tỉ euro và hơn 600 triệu euro, trong khi các nước lớn khác nhưng có nền kinh tế “tuột dốc” như Pháp và Đức sẽ lần lượt được hoàn trả gần 1 tỉ euro và 779 triệu euro.

Phủ Thủ tướng Anh ngay lập tức tuyên bố sẽ khiếu nại. Chính quyền Thủ tướng David Cameron vốn chủ trương thúc đẩy thắt chặt chi tiêu trong EU khó chấp nhận khoản lệ phí phát sinh trên. Năm 1984, chính quyền bảo thủ của cố Thủ tướng Margaret Thatcher cũng từng đấu tranh và giành lại số tiền tương đương 3,92 tỉ euro đóng góp. Nếu đồng ý chi thêm, Thủ tướng Cameron sẽ đối mặt với sự chỉ trích từ bên trong đảng Bảo thủ cầm quyền và đảng cực hữu Ukip. Ukip vốn có quan điểm “bài EU” gần đây giành được ghế trong quốc hội Anh, buộc số 10 phố Downing phải tính đến việc thay đổi chính sách nhằm hạn chế dân nhập cư để mong có thể giành giật với Ukip số cử tri không mặn mà với “mái nhà chung” EU trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 năm sau, bất chấp phản ứng và chỉ trích của lãnh đạo EC.

Đó cũng là lý do giải thích vì sao ông Cameron mới đây tuyên bố nếu tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm tới, ông sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc Vương quốc Anh có nên tiếp tục là một thành viên hay sẽ rời khỏi EU. Và trước khi tiến hành cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Cameron cam kết sẽ thương lượng một thỏa thuận với các đối tác của EU vừa để cải thiện quan hệ với khối này vừa để ông có thể thúc đẩy những sửa đổi điều khoản theo hướng có lợi cho “xứ sở sương mù”. Bởi ông thừa biết nếu cuộc trưng cầu dân ý diễn ra lúc này sẽ không có lợi cho ông. Một cuộc thăm dò dư luận vừa được công bố cho thấy có tới 56% cử tri Anh muốn xứ sở sương mù ở lại EU nếu trưng cầu dân ý về việc Anh tách khỏi “mái nhà chung”EU được tổ chức vào thời điểm này.

Xem ra áp lực bên trong vẫn luôn lớn hơn sức ép bên ngoài và chi phối các quyết sách của ông Cameron đối với EU.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết