01/05/2013 - 13:06

Căng thẳng tiếp diễn trên Bán đảo Triều Tiên

43 công dân Hàn Quốc tại khu công nghiệp Kaesong được trở về nước

Các phương tiện chuyên chở công dân Hàn Quốc rời khỏi Kaesong tối hôm 29-4. Ảnh: AP

Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, CHDCND Triều Tiên hôm 29-4 đã cho phép 43 trong số 50 công dân Hàn Quốc bị mắc kẹt trong khu công nghiệp Kaesong trở về nước. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định động thái thể hiện sự quyết liệt của Seoul khi rút toàn bộ nhân viên còn lại ra khỏi Kaesong có nguy cơ khiến Bình Nhưỡng vĩnh viễn đóng cửa khu công nghiệp vốn được xem là biểu tượng hợp tác kinh tế mà cả hai quốc gia đã xây dựng trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ và kiến tạo hòa bình.

Thông tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, 43 công dân nước này đã bắt đầu khởi hành từ Kaesong để trở về miền Nam vào tối hôm 29-4 sau khi các quan chức sắp xếp phương tiện đưa họ qua biên giới. Riêng 7 trường hợp lưu lại - bao gồm người đứng đầu Ủy ban Quản trị Phát triển Khu Công nghiệp Kaesong (KIDMAC) Hong Yang-ho, 4 nhân viên KIDMAC cùng 2 viên chức của Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc, được biết là do các vấn đề “phức tạp” liên quan đến khâu thanh toán trong đó có việc chi trả lương bổng cho công nhân Bắc Triều Tiên.

Phát biểu trước báo giới, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói: “Chúng tôi sẽ thảo luận thêm về các vấn đề còn lại, chẳng hạn như chi tiết về việc trả tiền lương quá hạn và giải quyết một số khoản thanh toán khác. Một khi đã được giải quyết, 7 người nói trên sẽ được trở về nhà”. Tuy nhiên, vị này cho biết không chắc chắn về thời điểm chính xác họ sẽ được hồi hương.

Đầu tháng 4, Bình Nhưỡng đã ra lệnh rút toàn bộ 53.000 công nhân nước này và ngăn cản Hàn Quốc xâm nhập khu Kaesong trong bối cảnh căng thẳng ngày một leo thang trên Bán đảo Triều Tiên. Đáp lại, Seoul tuần trước đã đưa ra “tối hậu thư” trong đó kêu gọi giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Tuy nhiên đến hôm 27-4, phía Hàn Quốc bắt đầu rút số công nhân còn lại về nước với lý do thiếu lương thực và thuốc men sau khi Triều Tiên lên tiếng bác bỏ đề xuất tổ chức đàm phán. Ngoài ra, theo lời phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Park Soo-jin thì chính phủ nước này hiện tại đang cân nhắc khả năng ngừng cung cấp nguồn điện và nước vốn không chỉ hỗ trợ cho Khu công nghiệp Kaesong mà còn cho người dân Bắc Triều Tiên.

Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Hàn Quốc Ahn Yin-hay nhận định, tình trạng căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên có thể còn gia tăng hơn nữa nếu khu công nghiệp Kaesong đóng cửa bởi miền Bắc có thể tuyên bố sở hữu các nhà máy của Hàn Quốc trên lãnh thổ Triều Tiên tương tự như dự án du lịch chung tại núi Kumgang.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hàn Quốc Byung-se Yun hôm 29-4 lại thắp lên hy vọng khi cho biết khu công nghiệp liên doanh Kaesong khả năng sẽ được mở cửa trở lại. Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên thuộc Đại học Kyungnam, đồng thời là chuyên gia về khu công nghiệp Kaesong Lim Eul-chul cũng bày tỏ hy vọng về khả năng khôi phục hợp tác nếu hai bên chấp nhận đối thoại bởi việc đóng cửa Kaesong không chỉ cắt đứt nguồn thu nhập mà còn bất lợi đối với miền Bắc trên phương diện tiếp thu công nghệ để xây dựng nền kinh tế.

Trong diễn biến khác, cơ quan thông tấn chính thức KCNA của Triều Tiên cho biết công dân Mỹ Kenneth Bae, hay còn được biết đến với tên gọi Pae Jun-ho sẽ sớm bị đưa ra xét xử vì những cáo buộc liên quan đến âm mưu lật đổ chính quyền Triều Tiên. Theo luật hình sự của nước này, ông Bae có thể đối mặt với án cao nhất là tử hình.

VI VI
(Theo Korea Times, USA Today, Huffington Post)

 

Chia sẻ bài viết