08/10/2024 - 22:06

“So kè” năng lực đóng tàu giữa Mỹ và Trung Quốc 

Trong 18 năm qua, Trung Quốc đầu tư cho việc đóng tàu nhiều đến mức ở thời điểm hiện tại lượng tàu mà nước này đóng trong một tháng còn nhiều hơn số tàu Mỹ đóng trong một năm. Chưa dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng lợi thế của mình, khiến các nhà hoạch định quân sự Mỹ lo ngại.

Tàu sân bay Phúc Kiến của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sputnik

Ước tính, lực lượng đóng tàu của Trung Quốc gấp 5 lần so với lực lượng đóng tàu của Mỹ. Đến nay, các xưởng đóng tàu của Mỹ đóng chưa đến 200 tàu trong khi các xưởng đóng tàu của Trung Quốc đã đóng hơn 1.700 tàu. Hơn nữa, ngành đóng tàu Trung Quốc đóng và sửa chữa tàu với “tốc độ thời chiến”. Nhiều tờ báo quốc tế gần đây đưa tin Trung Quốc đã đóng tàu hộ tống tàng hình thế hệ tiếp theo trong vòng chưa đầy một năm, trong khi tàu chiến ven biển tương đương của Hải quân Mỹ phải mất 4 năm để hoàn thành. Còn tàu khu trục mới của Mỹ sẽ phải mất 7 năm từ khi hạ thủy đến khi thử nghiệm trên biển. 

Không những vậy, nhiều hình ảnh vệ tinh còn cho thấy Trung Quốc đã biến các xưởng đóng tàu của nước này trở thành các xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới. Đáng chú ý, các tàu thương mại tại các xưởng này cũng đang được chế tạo theo các thông số kỹ thuật quân sự, có khả năng chở binh sĩ và thiết bị trong một cuộc xung đột.

Theo giới phân tích, sở dĩ ngành công nghiệp đóng tàu của Mỹ đang dần suy thoái một phần là do ngân sách được phân bổ sai hướng. Theo đó, yêu cầu ngân sách quốc phòng năm 2025 của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho việc đóng tàu ít hơn tới 400 triệu USD so với năm ngoái. Chưa kể, Hải quân Mỹ còn có kế hoạch chỉ mua 6 tàu chiến vào năm tới, con số nhỏ nhất kể từ năm 2006. 

Trong bối cảnh trên, giới chuyên gia cho rằng nếu Mỹ không sớm bắt kịp năng lực đóng tàu của Trung Quốc, Washington có nguy cơ mất cảnh giác và không được trang bị đầy đủ trong trường hợp xung đột nổ ra giữa 2 nước. Họ cho rằng cách để Mỹ có thể duy trì hạm đội của nước này ở mức mạnh nhất là duy trì hoạt động của các tàu chiến hiện có lâu nhất có thể, đồng thời mở rộng các xưởng đóng tàu của Hải quân cũng như năng lực đóng và sửa chữa tàu của nước này. Mặt khác, Quốc hội nên sửa đổi các luật nhằm cho phép Hải quân Mỹ có thể nhận được sự hỗ trợ từ các đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản - những nước đóng tàu lớn chỉ sau Trung Quốc nhưng lại không được phép sửa chữa, bảo dưỡng và đóng tàu Mỹ.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ để trở thành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với 234 tàu trên 1.000 tấn so với 219 tàu của Mỹ. Trung Quốc có 167 tàu hậu cần chiến đấu, bỏ xa 126 chiếc của Mỹ. Trong giai đoạn 2003-2023, Trung Quốc đã tăng gấp đôi đội tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lên 42 chiếc. Còn trong thập niên qua, nước này hạ thủy 23 tàu khu trục mới so với chỉ 11 tàu của đối thủ. Kể từ năm 2017, Trung Quốc đóng 8 ​​tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường trong khi Mỹ “trắng tay”.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết