TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Với diện tích chỉ 544 km² và là nơi sinh sống của 170.000 người, Guam, một trong những lãnh thổ nhỏ nhất của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, là một trong những nơi được quân sự hóa nhiều nhất xứ cờ hoa. Các lực lượng Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến đều có mặt tại đây và luôn trong tư thế sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc.

Từng bước chuyển mình
Sự liên kết giữa Guam với Mỹ có từ hơn 100 năm trước khi Washington chiếm hòn đảo trong cuộc chiến với Tây Ban Nha. Năm 1898, Guam trở thành lãnh thổ của Mỹ, sau đó bị Ðế quốc Nhật chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai. Năm 1945, Mỹ giải phóng Guam và không lâu sau hòn đảo trở thành điểm nóng trong Chiến tranh Lạnh, khiến quân đội Mỹ không thể rời Guam mà còn biến hòn đảo thành một căn cứ chính để chống lại sự bành trướng của Nga và Trung Quốc. Trong đó, Cảng Apra của Guam trở thành khu vực được Mỹ bố trí các tàu ngầm tên lửa hạt nhân Polaris có thể triển khai các cuộc tấn công vươn tới vùng Viễn Ðông của Nga và Trung Quốc.
Tầm quan trọng chiến lược của Guam suy giảm vào cuối thời Chiến tranh Lạnh và hòn đảo này đã trở thành điểm nghỉ mát nổi tiếng đối với du khách Nhật Bản. Nhưng nay khi Mỹ đối mặt với sức mạnh trên biển và trên không đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, Guam một lần nữa trở thành địa điểm chiến lược quan trọng, là trụ cột của chiến lược phòng thủ của Mỹ ở Thái Bình Dương và là bàn đạp tiếp cận Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và Ðài Loan.
Theo tờ Popular Mechanics, tất cả các lực lượng vũ trang chính của Mỹ đều có mặt tại lãnh thổ nhỏ bé này, với mục tiêu chính là kiềm chế Trung Quốc. Trụ sở chính của Không quân Mỹ trên Guam là Căn cứ Không quân Andersen, rộng khoảng 7.200 hec-ta và có thể chứa tới 193 máy bay. Không quân Mỹ chủ yếu sử dụng căn cứ này làm điểm tập kết cho cả các lực lượng hoạt động trong khu vực lẫn các tàu chở dầu hỗ trợ máy bay hoạt động trên Thái Bình Dương. Dù căn cứ không có bất kỳ loại máy bay thường trực nào nhưng thường xuyên có các cuộc luân chuyển của Lực lượng đặc nhiệm ném bom thuộc Không quân Thái Bình Dương cũng như lực lượng máy bay tiếp liệu.
Một lực lượng hiện diện lâu năm khác tại Guam là Hải quân Mỹ. Căn cứ Hải quân Guam gồm Cảng Apra, nơi không chỉ đóng vai trò là trạm dừng chân của các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio ở Thái Bình Dương mà còn là nơi neo đậu của 5 tàu ngầm tấn công vận hành bằng năng lượng hạt nhân lớp Los Angeles, gồm Key West, Asheville, Annapolis, Springfield và Jefferson City. Ngoài Cảng Apra, Hải quân Mỹ còn phân bổ 3 hoặc 4 tàu khu trục tên lửa dẫn đường đến đảo trong thời chiến.
Trong khi đó, Thủy quân lục chiến Mỹ cũng trong quá trình tăng cường sự hiện diện trên đảo bằng cách chuyển một phần Lực lượng viễn chinh biển III từ đảo Okinawa (Nhật Bản) đến Guam. Ðơn vị này sẽ triển khai 1.300 binh sĩ tới căn cứ Blaz mới thành lập cùng 3.700 binh sĩ khác thường xuyên luân chuyển đến từ lục địa Mỹ và Hawaii để thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện tác chiến.
Được trang bị tối tân
Ðể đối phó việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo, Lục quân Mỹ hồi năm 2014 đã triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Guam nhằm cung cấp khả năng phòng thủ cho toàn bộ hòn đảo. Song, các tên lửa của THAAD hiện chỉ cung cấp lớp bảo vệ nhỏ và không đủ mạnh để có thể bảo vệ toàn bộ đảo Guam.
Do đó, Mỹ đang có kế hoạch bố trí các bệ phóng THAAD cũng như các hệ thống radar lên các hòn đảo nhỏ xung quanh trong trường hợp nổ ra xung đột Mỹ - Trung ở Tây Thái Bình Dương. Các căn cứ không quân và hải quân chiến lược của Mỹ ở Guam, gồm Căn cứ Không quân Andersen, Căn cứ Hải quân Guam, Căn cứ Thủy quân lục chiến Blaz và Bộ chỉ huy Liên khu Mariana, được coi là mục tiêu chính của Trung Quốc trong trường hợp nổ ra xung đột với Mỹ ở Thái Bình Dương xung quanh vấn đề Ðài Loan hoặc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Ðông. Trong đó, Căn cứ Hải quân Guam được đặt ở vị trí chiến lược để có thể hỗ trợ tất cả các tàu ngầm được triển khai cho Hạm đội 7 được đặt tại thành phố Yokosuka (Nhật Bản).
Hải quân Mỹ cũng đang khảo sát các địa điểm ở Tây Thái Bình Dương để lắp đặt radar và các thiết bị khác của THAAD. "THAAD giúp bảo vệ Guam khỏi tên lửa đạn đạo và một số tên lửa khác nhưng phạm vi hoạt động của nó có phần hạn chế. Hệ thống mới sẽ cung cấp khả năng toàn diện hơn nhằm bảo vệ hòn đảo trước mọi mối đe dọa cũng như các tên lửa lớn hơn." - Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ Benjamin Nicholson, Tư lệnh Bộ chỉ huy Liên khu Mariana, cho biết.
Theo Popular Mechanics, hệ thống phòng thủ Guam mới sẽ bao gồm hệ thống phòng thủ và radar 360 độ có thể chống lại tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh cũng như tên lửa hành trình tiên tiến cùng với máy bay không người lái và các loại vũ khí không gian tinh vi khác. Mới đây, Tập đoàn quốc phòng BAE Systems (Anh) đã ký hợp đồng với Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ Lockheed Martin để thiết kế và sản xuất công nghệ hồng ngoại Seeker thế hệ tiếp theo dành cho THAAD. BAE Systems cho biết nhờ được công nghệ hồng ngoại của nhà thầu quốc phòng này hướng dẫn, THAAD có thể tấn công tên lửa đạn đạo và phá hủy đầu đạn bằng động năng trong hoặc ngoài khí quyển. Không những vậy, Ðô đốc Hải quân John Aquilino, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương Mỹ tiết lộ, Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết chi hơn 11 tỉ USD cho các dự án xây dựng quân sự trên đảo Guam trong giai đoạn 2022-2027.
Tạp chí Không quân Mỹ cho hay, hiện Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ đang đề xuất triển khai một hệ thống phòng thủ nhiều lớp tới Guam. Theo đó, cơ quan này đang có kế hoạch huy động 539 triệu USD trong năm tài chính 2023 để bắt đầu xây dựng một hệ thống như vậy để có thể được triển khai vào năm 2026.
Ðảo Guam là vùng lãnh thổ gần nhất của Mỹ với Trung Quốc đại lục, trong đó thành phố thương mại lớn nhất của nước này là Thượng Hải nằm cách Guam 2.897km về phía Tây Bắc. Ở vị trí như thế, đảo Guam sẽ đóng vai trò thiết yếu cho Mỹ đáp trả trong trường hợp Trung Quốc tấn công Ðài Loan hay Nhật Bản, đồng thời ngăn chặn tàu chiến Trung Quốc tiến ra khỏi Chuỗi đảo thứ nhất trên Thái Bình Dương.