26/01/2023 - 18:15

“Né” lệnh trừng phạt, Nga - Iran xây tuyến thương mại riêng 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Nga và Iran đang bắt tay xây dựng một hành lang vận chuyển mới nhằm “né” các lệnh trừng phạt của phương Tây. Kế hoạch này được xem là câu trả lời dành cho nỗ lực của Mỹ nhằm chuyển đổi chuỗi cung ứng sang các đồng minh và quốc gia thân thiện.

Tàu thuyền di chuyển trên Kênh đào Volga - Don. Ảnh: Bloomberg

Tuyến đường trị giá 25 tỉ USD

Theo Hãng tin Bloomberg, tuyến đường thương mại xuyên lục địa nói trên kéo dài từ rìa phía Ðông của châu Âu đến khu vực Ấn Ðộ Dương, dài 3.000km và nằm ngoài tầm với của bất kỳ sự can thiệp nào từ nước ngoài. Ở cuối đầu phía Bắc của tuyến đường là Biển Azov, được bao quanh bởi bán đảo Crimea, gồm cả cảng Mariupol do Nga kiểm soát ở Ðông Ukraine, và cửa sông Ðông.

Với vốn đầu tư ước tính lên tới 25 tỉ USD, Nga và Iran đang đẩy mạnh xây dựng hành lang thương mại nói trên nhằm gia tăng tốc độ vận chuyển hàng hóa dọc theo các tuyến sông và đường sắt kết nối với Biển Caspi.

Khi liệt kê những lợi ích mà Nga đạt được từ cuộc chiến ở Ukraine mới đây, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Biển Azov “đã trở thành vùng biển nội địa” đối với Nga. Từ đó, mạng lưới sông, biển và đường sắt mở rộng đến các trung tâm của Iran trên Biển Caspi và cuối cùng là Ấn Ðộ Dương. Nhà lãnh đạo xứ bạch dương cũng đề cao tầm quan trọng của phần cuối hành lang đó. Tại một diễn đàn kinh tế được tổ chức hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Putin nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển cơ sở hạ tầng tàu biển, đường sắt và đường bộ dọc theo tuyến đường để cung cấp cho các công ty Nga những cơ hội mới nhằm có thể thâm nhập thị trường Iran, Ấn Ðộ, Trung Ðông và châu Phi, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn cung ngược lại từ các nước này.

Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ giúp rút ngắn khoảng cách từ Nga đến Iran hàng ngàn km và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng hàng hóa mà phương Tây muốn ngăn chặn. Maria Shagina, chuyên gia về các biện pháp trừng phạt và chính sách đối ngoại của Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Luân Ðôn (Anh), cho rằng Nga và Iran đang chơi trò “mèo vờn chuột”, sẽ khai thác tất cả các kẽ hở để vận chuyển các sản phẩm và vũ khí bị trừng phạt.

Phương Tây “đứng ngồi không yên”

Những lý do trên đang khiến Mỹ và đồng minh “đứng ngồi không yên” trong bối cảnh họ tìm cách ngăn chặn việc Iran vận chuyển máy bay không người lái và các vật tư quân sự khác nhằm hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. “Chúng tôi đang theo dõi một cách cẩn thận, tuyến đường đó nói riêng và các kết nối giữa Iran và Nga nói chung. Chúng tôi lo ngại về bất kỳ nỗ lực nào nhằm giúp Nga trốn các biện pháp trừng phạt” - James O’Brien, người đứng đầu bộ phận điều phối các biện pháp trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết.

Trong khi đó, Robert Malley, đặc phái viên Mỹ về Iran, nói rằng bất kỳ hành lang thương mại mới nào cũng cần được xem xét một cách kỹ lưỡng. “Ðó là một quyết định cực kỳ nguy hiểm và liều lĩnh mà họ đưa ra. Ðiều quan trọng chúng ta phải làm là làm nổi bật nó lên để cố gắng cho thế giới thấy rằng họ không thể che giấu” - ông Malley bày tỏ quan điểm.

Ngoài lý do trên, lý do về kinh tế của tuyến đường vận chuyển mới cũng khiến nhiều nước phương Tây lo ngại. Theo Bloomberg, tàu thuyền đi trên sông Ðông và sông Volga có truyền thống buôn bán các mặt hàng năng lượng và nông nghiệp nhưng phạm vi sẽ được mở rộng. Ðược biết, Iran là nhà nhập khẩu ngũ cốc lớn thứ ba của Nga. Hai nước gần đây đã công bố một loạt thỏa thuận kinh doanh mới, trong đó gồm các loại hàng hóa như turbine, polymer, vật tư y tế và phụ tùng ôtô. Nga cũng cung cấp nhiên liệu hạt nhân và linh kiện cho lò phản ứng của Iran ở thành phố Bushehr.

Và tuyến đường mới cũng được cho sẽ giúp Nga bù đắp cho sự đổ vỡ đột ngột trong quan hệ thương mại với châu Âu, vốn từng là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. “Với việc mạng lưới giao thông của châu Âu bị đóng cửa, họ tập trung phát triển các hành lang thương mại thay thế hỗ trợ Nga “hướng Ðông”. Anh có thể áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với các tuyến đường biển, nhưng các tuyến đường bộ thì rất khó theo dõi” - Nikolay Kozhanov, chuyên gia vùng Vịnh tại Ðại học Qatar, nhận định.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa 2 nước, bên trong biên giới của mình, Iran đang đổ tiền phát triển các nhà ga nơi hàng hóa có thể được chuyển lên tàu và lên các tuyến đường sắt chạy dọc theo đất nước từ Biển Caspi đến vịnh Persic. Tehran cũng đang mở rộng mạng lưới đường sắt. Một quan chức cấp cao của Iran gần đây cho biết nước này đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng tuyến đường sắt dài 3.300km. Dự kiến, tuyến đường ray mới dài 560km sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 3 tới. Tehran ngoài ra cũng đang trong quá trình xây dựng tuyến cao tốc dài khoảng 6.000km, 1.000km trong tuyến này cũng sẽ được hoàn thành vào tháng 3.

Chia sẻ bài viết