21/07/2024 - 18:50

“Mặt trái” của công nghiệp tinh chế niken ở Indonesia 

Niken rất cần thiết cho quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng xanh, nhưng “mặt trái” của việc khai thác và tinh chế niken quá mức thường đi kèm với nhiều thách thức về môi trường - điều gần đây được chứng minh ở Indonesia.

Khu công nghiệp Vịnh Weda, nơi hàng loạt nhà máy luyện niken mọc lên. Ảnh: AP

Indonesia đặt mục tiêu thống trị nguồn cung niken của thế giới và dường như đã thành công. Theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, Indonesia có trữ lượng niken lớn nhất thế giới với 21 triệu tấn, chiếm 22% trữ lượng toàn cầu. Sản lượng tinh chế niken của Indonesia cũng đứng đầu với 1 triệu tấn, trước Philippines (370.000 tấn) và Nga (250.000 tấn). Chỉ riêng năm ngoái, Indonesia cung cấp hơn một nửa nguồn cung niken trên toàn cầu. Trong khi đó, theo dữ liệu của S&P Global Commodity Insights, chỉ trong 10 năm qua, số nhà máy luyện niken của quốc gia Ðông Nam Á này đã tăng từ con số 2 nhà máy lên mức 27 nhà máy. Chưa hết, Jakarta còn lên kế hoạch xây dựng thêm 22 nhà máy luyện niken nữa.

Lâu nay, niken chủ yếu được dùng để sản xuất thép không gỉ. Giờ đây, nhu cầu loại kim loại này tăng mạnh trong bối cảnh các nhà sản xuất ôtô như Tesla (Mỹ) cần để sản xuất pin xe điện, trong khi các công ty sản xuất pin lớn hơn cần cho các dự án điện sạch. Ðược biết, lượng niken mà Tesla sử dụng hồi năm 2023 tăng 33% so với năm trước đó nhưng chỉ 13% trong số này đến từ Indonesia. Hiện Indonesia được cho đang nỗ lực thu hút Tesla.

Song, theo một phân tích mới của tổ chức phi lợi nhuận Auriga (Indonesia), ở những nơi mà các nhà máy luyện niken “mọc” lên, các khu rừng xung quanh sẽ nhanh chóng biến mất. Dựa trên dữ liệu của chính phủ, phân tích cho thấy nạn phá rừng đã tăng từ mức trung bình 33km² xung quanh mỗi nhà máy luyện kim lên mức 63km². Như vậy, nếu tất cả 22 nhà máy luyện niken mới được xây dựng, nạn phá rừng có thể sẽ gia tăng đáng kể. “Thiệt hại đối với môi trường là rất lớn. Nạn phá rừng gia tăng đáng kể, trong khi các dòng sông bị ô nhiễm, các khu rừng ngập mặn thì bị chặt phá để phát triển các khu vực luyện kim. Các khu vực ven biển cũng như các rạn san hô cũng đang bị các lò luyện hủy hoại” - Chủ tịch Auriga, Time Manurung cảnh báo.

Indonesia là quốc gia được rừng nhiệt đới bao phủ lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, theo tổ chức Giám sát rừng toàn cầu, kể từ năm 1950, hơn 740.000km² rừng nhiệt đới của Indonesia, diện tích gấp đôi diện tích nước Ðức, đã bị khai thác, bị đốt cháy hoặc xuống cấp.

Tình trạng trên khiến người dân sống tại khu vực các nhà máy luyện niken được xây dựng lo ngại. Librek Loha, cư dân sống tại Lelilef Sawai, ngôi làng bị Khu công nghiệp Vịnh Weda (IWIP) bao vây, cho biết nguồn nước sạch tại đây rất khan hiếm, trong khi cây trồng thì bị phủ một lớp bụi màu cam, chậm phát triển.

Max Sigoro, 54 tuổi, đồng tình với anh Loha. Thợ săn này cho biết ông mất gần như toàn bộ thu nhập trước đây kể từ khi khu công nghiệp được mở rộng, bởi ánh sáng và tiếng ồn phát ra từ các công trình xây dựng đã xua đuổi đàn hươu mà ông thường săn vào ban đêm. Còn Abdullah Ambar, 61 tuổi, cho biết vùng biển gần dự án trở nên đục ngầu, khiến ông không thể câu cá được nữa.

Hiện IWIP là một trong những cơ sở sản xuất niken lớn nhất thế giới. Các lò luyện kim và nhà máy nhiệt điện tại đây hoạt động không ngừng nghỉ để tinh chế quặng niken thành nguyên liệu sản xuất pin và thép.

Lời phàn nàn của người dân tại IWIP được xem là tiếng nói đại diện cho các cộng đồng gần các công trình luyện kim khác trên khắp Indonesia. Có lẽ chính những lời phàn nàn này mà sự quan tâm của một số công ty ở châu Âu đối với niken từ Indonesia đang giảm đi. Trong những tuần gần đây, công ty khai thác mỏ Eramet (Pháp) và hãng hóa chất BASF (Ðức) tuyên bố hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy lọc niken và coban “Vịnh Sonic” trị giá 2,6 tỉ USD. Trong khi Eramet không đưa ra lý do, người phát ngôn của BASF trong một tuyên bố cho biết công ty này “cần nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng, an toàn, có trách nhiệm và bền vững”.

“Mặc dù việc hủy bỏ dự án Vịnh Sonic có thể dẫn đến ít ô nhiễm hơn cho cộng đồng địa phương nhưng Chính phủ Indonesia cần làm nhiều hơn để giảm thiểu tác động của việc khai thác và tinh chế niken đối với các cộng đồng sống gần IWIP cũng như các khu công nghiệp niken khác” - Krista Shennum, nhà nghiên cứu tại tổ chức Climate Rights International, nói với tờ The Diplomat.

Từ năm 2020, chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã cấm xuất khẩu quặng niken chưa qua chế biến, động thái khiến các công ty nước ngoài cần kim loại này đầu tư vào Indonesia. Trung Quốc đã đi đầu trong làn sóng đầu tư vào sản xuất niken ở Indonesia. Theo Bộ Ðầu tư Indonesia, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực chế biến kim loại của nước này đã đạt khoảng 10,9 tỉ USD vào năm 2022, với gần 60% đến từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về việc sử dụng xe điện và được cho là chiếm khoảng 60% nhu cầu niken toàn cầu.

Nhờ chính sách trên, giá trị xuất khẩu niken của Indonesia tăng từ mức 1,9 tỉ USD lên 33,2 tỉ USD. Tuy nhiên, ngoài nạn phá rừng, các nhà máy luyện niken đã dẫn đến sự gia tăng sử dụng than và sự xuất hiện của các nhà máy than mới vào thời điểm thế giới đang cố gắng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết