 |
Thủ tướng Đức Merkel trả lời báo giới sau hội nghị thượng đỉnh EU hôm 1-3. Ảnh: AFP |
Tại hội nghị thượng đỉnh bất thường Liên minh châu Âu (EU) hôm 1-3, các nhà lãnh đạo khối này đã bác bỏ đề nghị của Thủ tướng Hungary Ferenc Gyurcsany về việc thành lập một quỹ giải cứu đặc biệt trị giá 190 tỉ euro dành cho các nước Trung và Đông Âu. Theo ông Gyurcsany, 20 năm sau ngày Bức tường Berlin chia cắt châu Âu sụp đổ, một “Bức màn thép” mới đang xuất hiện và chia rẽ cựu lục địa, giữa Đông và Tây, giữa các nước giàu với các nước nghèo.
Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nước Trung - Đông Âu mới gia nhập EU những năm gần đây có thể mất 5 triệu việc làm, nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt. Với dân số 350 triệu người, trong đó khoảng 100 triệu người nằm trong EU, Đông Âu lo ngại sự sụp đổ của một số “con hổ” kinh tế có thể lan sang các nước khác, dẫn tới làn sóng di cư người thất nghiệp từ Đông sang Tây. Do đó, Thủ tướng Gyurcsany đề nghị các nước Tây Âu thành lập quỹ hỗ trợ các nước Đông Âu. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng các nước mới gia nhập EU đối mặt với mức độ nguy hiểm “rất khác nhau” trong cuộc khủng hoảng kinh tế và không có “khuôn mẫu chung” để áp dụng viện trợ. Nói cách khác, với tư cách là nước đóng góp nhiều nhất trong EU, Đức không ủng hộ ý tưởng của Thủ tướng Hungary. Còn Thủ tướng Anh Gordon Brown thì kêu gọi EU “bơm” thêm ít nhất 500 tỉ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để IMF hỗ trợ các nước khó khăn, chứ không thành lập quỹ cứu giúp Đông Âu. Thế nhưng, ông Brown không cho biết số tiền khổng lồ trên sẽ được lấy từ đâu.
Trong khi đó, nội bộ các nước EU đang căng thẳng xung quanh vấn đề bảo hộ khi các nước Tây Âu, nhất là Pháp và Đức, mạnh tay tài trợ cho các ngành công nghiệp chủ chốt. Có thể thấy rõ sự căng thẳng này qua mối quan hệ giữa Pháp với CH Czech. Trong thông báo gói viện trợ 3 tỉ euro cho 2 hãng xe Renault và Peugeot hồi tháng rồi, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ám chỉ rằng khoản tiền này là để các hãng xe không đóng cửa các nhà máy ở Pháp hay chuyển tới nơi chi phí thấp “ở CH Czech hoặc nơi nào khác”. Đáp lại, Thủ tướng Czech Mirek Topolanek, hiện giữ chức chủ tịch luân phiên EU, cảnh báo EU sẽ chống lại các biện pháp bảo hộ và cho rằng hành động của các nước giàu làm châu Âu thêm chia rẽ.
Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU, 9 nước Trung và Đông Âu gồm Hungary, Ba Lan, CH Czech, Slovakia, Latvia, Litva, Estonia, Bulgarie và Roumanie đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh ly khai. Đây là điều chưa có tiền lệ. Rõ ràng, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang tạo ra một “Bức màn thép” mới chia cắt châu Âu.
N.MINH
(Theo Guardian, Bloomberg, Reuters)