28/05/2022 - 00:20

“Bóng ma” khủng hoảng lương thực toàn cầu 

Giới quan sát quốc tế cảnh báo “bóng ma” của cuộc khủng hoảng lương thực đang hiển hiện toàn cầu, giữa lúc một số nước khó tiếp cận nguồn cung vì cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong khi các nước khác lại cấm hoặc hạn chế xuất khẩu các thực phẩm cơ bản để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Lo ngại mất an ninh lương thực do giá nông sản toàn cầu gia tăng, nhiều quốc gia đã hạn chế xuất khẩu đường kể từ khi Nga tiến hành can thiệp quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Chẳng hạn, Pakistan áp đặt “lệnh cấm hoàn toàn” đối với việc xuất khẩu đường vào đầu tháng 5 do lo ngại lạm phát cao, Kazakhstan bắt đầu lệnh cấm kéo dài 6 tháng đối với hoạt động xuất khẩu đường trắng và mía từ hôm 23-5. Ấn Ðộ - nước sản xuất đường lớn nhất thế giới và là nhà xuất khẩu đường lớn thứ hai sau Brazil - thì thông báo sẽ giới hạn lượng đường xuất khẩu ở mức 10 triệu tấn trong tháng 9 để bảo vệ nguồn cung nội địa và giữ cho giá đường không tăng đột biến.

Người dân Nam Sudan xếp hàng chờ nhận thực phẩm do LHQ viện trợ. Ảnh: AFP

Ðối với nhiều quốc gia, đường là một “tài nguyên” chiến lược vì nó không chỉ là nguyên liệu thiết yếu trong chế biến thực phẩm mà còn để sản xuất cồn ethanol - thành phần thường được dùng để pha chế xăng sinh học, đồ uống, dược phẩm, nước hoa... Nhiều nhà máy mía đường ở Brazil được cho đang hủy bỏ một số hợp đồng xuất khẩu và chuyển sang sản xuất ethanol để thu lợi từ việc giá năng lượng tăng cao. Trên thực tế, giá đường quốc tế đã tăng 20% trong năm ngoái do thiếu nguồn cung và nhu cầu gia tăng sau đại dịch COVID-19. Thậm chí Trung Quốc cũng vừa cắt giảm dự báo sản lượng đường nội địa trong năm 2022 xuống còn 9,72 triệu tấn, giảm gần 9% so với mức 10,07 triệu tấn của năm trước.

Không chỉ có đường, nhiều nước cũng cấm hoặc hạn chế xuất khẩu một số thực phẩm cơ bản khác để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), khoảng 20 quốc gia và khu vực đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng như lúa mì, đậu nành, thịt bò, thịt gà, dầu ăn, bơ... làm ảnh hưởng đến 17% nhu cầu lương thực toàn cầu hồi tháng 4. Cụ thể, Malaysia quyết định ngừng xuất khẩu gà với lý do “ưu tiên người dân”, Argentina cấm xuất khẩu một số loại thịt bò, Indonesia tạm thời cấm xuất khẩu dầu cọ hồi tháng 4 và chỉ mới dỡ bỏ vào trung tuần tháng 5, còn Kazakhstan, Ai Cập, Kosovo và Thổ Nhĩ Kỳ thì cấm xuất khẩu dầu ăn.

Trong khi đó, nhiều quốc gia đang báo động về tình trạng khủng hoảng nguồn cung lương thực do cuộc xung đột Nga - Ukraine, hai nước vốn cung cấp khoảng 30% lượng lúa mì, gần 20% lượng bắp và 80% lượng dầu hướng dương cho toàn cầu. Ðáng ngại nhất là Ai Cập và Lebanon, vốn nhập khẩu lần lượt 80% và 60% lượng lúa mì từ Nga và Ukraine, còn Tunisia thì nhập khẩu 60% ngũ cốc từ hai nước này.

Khủng hoảng lương thực cũng là một vấn đề được nhiều chính khách, quan chức cấp cao của các tổ chức quốc tế đặc biệt quan tâm tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos năm 2022. Phát biểu tại diễn đàn hôm 23-5, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc David Beasley cảnh báo rằng thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nạn đói tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Theo ông, “một vấn đề đáng kể về giá cả” có thể xảy ra trong vòng 10-12 tháng tới, khi hiện có tới 325 triệu người trên thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu ăn. Con số này đã tăng gấp 4 lần so với cách đây 5 năm.

Trước nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala mới đây kêu gọi các nước không ngưng hoặc hạn chế xuất khẩu các thực phẩm cơ bản, nhằm tránh làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lương thực cũng như khiến giá cả tăng vọt. Hôm 22-5, Ðại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết kêu gọi hành động toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Trước đó, Ngân hàng Thế giới tuyên bố sẽ dành 12 tỉ USD cho các dự án mới để ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực trong 15 tháng tới.

NGUYỆT CÁT (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết