13/03/2013 - 14:52

Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên

“Ăn miếng trả miếng”

Binh sĩ Triều Tiên tại một cơ sở huấn luyện bí mật ở Thủ đô Bình Nhưỡng.
Ảnh: KCNA/Reuters

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama trong động thái mới nhất đã thẳng thừng lên tiếng cảnh báo CHDCND Triều Tiên về khả năng Washington sẽ triển khai biện pháp quân sự nhằm bảo vệ Mỹ và các quốc gia đồng minh châu Á trong trường hợp cấp thiết, sau khi Bình Nhưỡng đưa ra tuyên bố hủy bỏ Hiệp ước đình chiến năm 1953 với Hàn Quốc.

Cả giới quan chức Mỹ, Hàn Quốc lẫn Liên Hiệp Quốc (LHQ) đều cho rằng hành động đơn phương hủy bỏ thỏa thuận ngừng bắn liên Triều của Triều Tiên là không hợp pháp. Tuy nhiên, Seoul lại lo ngại rằng động thái của miền Bắc là nhằm “dọn đường” cho một cuộc tấn công hoặc hành động khiêu khích khác. Phát biểu tại cuộc họp báo ngắn ở Seoul ngày 12-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Cho Tai-young nhấn mạnh: “Thỏa thuận này không thể bị đơn phương cho là vô giá trị hay chấm dứt. Chúng tôi yêu cầu Triều Tiên rút lại những tuyên bố đe dọa tới hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực”. Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ cũng khẳng định hiệp định đình chiến liên Triều vẫn có hiệu lực, bởi hiệp định này đã được Đại hội đồng LHQ thông qua và các điều khoản của nó không cho phép bất cứ bên nào đơn phương hủy bỏ.

Phát biểu tại thành phố New York hôm 11-3, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon đã tái khẳng định lại quan điểm phản đối của Mỹ về chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng: “Washington không chấp nhận việc Triều Tiên trở thành nhà nước hạt nhân và càng không thể đứng im nhìn nước này phát triển vũ khí hạt nhân với mục tiêu có thể nhắm đến Mỹ”. Theo đó, Mỹ bác bỏ tuyên bố vô hiệu hóa với “những lời lẽ hiếu chiến” về bản hiệp ước của Bắc Triều Tiên, đồng thời cảnh báo nước này sẽ phải đối mặt với “sức mạnh thật sự” nếu tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân như tuyên bố gần đây. “Chúng tôi sẽ triển khai sức mạnh trên tất cả các phương diện để bảo vệ và chống lại những mối đe dọa nhằm vào Mỹ và các quốc gia đồng minh xuất phát từ Triều Tiên”- ông Donilon mạnh mẽ khẳng định.

Ngoài ra, ông Donilon cũng nhấn mạnh việc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đồng minh thân cận Mỹ-Hàn-Nhật và bày tỏ hoan nghênh Trung Quốc đã hỗ trợ đối với nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gần đây liên quan đến chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Mặt khác, ông Donilon còn lên tiếng kêu gọi “các nhà lãnh đạo miền Bắc nên nhìn vào Myanmar” để dẫn chứng cho thấy Mỹ vẫn muốn cải thiện mối quan hệ với Triều Tiên và nước này vẫn còn cơ hội để “thay đổi cục diện hiện tại” nếu thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình bằng “những hành động ý nghĩa”.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ mới đây cho biết, họ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên (FTB)- ngân hàng giao dịch nước ngoài chính của nước này và Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Thứ 2 Paek Se-Bong do nghi ngờ dính dáng đến vụ thử hạt nhân hồi tháng trước. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 11-3 còn đưa vào “danh sách đen” thêm 3 cá nhân liên quan tới chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, gồm 2 lãnh đạo thuộc cơ quan quản lý sản xuất và xuất khẩu vũ khí Pak To-Chun, Chu Kyu-Chang cùng Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc gia O Kuk-Ryul.

Căng thẳng hiện vẫn tiếp diễn theo chiều hướng ngày một gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và không có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra thông báo “hoàn toàn chấm dứt” thỏa thuận đình chiến 1953. Theo sau tuyên bố trên là động thái cắt đứt đường dây nóng liên lạc giữa Bình Nhưỡng và Seoul, điều này khiến Mỹ và Hàn Quốc gặp không ít khó khăn trong việc giải quyết mâu thuẫn hoặc đưa ra giải pháp thích hợp.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự, những động thái trên của miền Bắc có khả năng chỉ nhằm mục đích gây áp lực để buộc Washington phải ngồi vào bàn đàm phán song phương với trọng tâm là cắt giảm sự hiện diện quân đội Mỹ trong khu vực, đồng thời công nhận Triều Tiên là một nhà nước hạt nhân - một sự nhượng bộ mà các quan chức chính quyền Obama đã thẳng thừng từ chối bởi theo đặc sứ Mỹ phụ trách chính sách về Triều Tiên Glyn Davies thì “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mới là mục tiêu chính trong sách lược của Mỹ”.

   VI VI (Theo, Reuters, WSJ, Guardian, WP)

Binh sĩ Triều Tiên tại một cơ sở huấn luyện bí mật ở Thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA/Reuters

Chia sẻ bài viết