26/08/2017 - 16:18

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Lùi thời gian để chuẩn bị chu đáo 

Cần đầu tư mạnh cho giáo dục và lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Đó là một trong vấn đề nóng được bàn luận tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017- 2018 (Hội nghị) do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức.

Giờ học của cô trò Trường Tiểu học Thị trấn Thới Lai 1 (TP Cần Thơ).

Thiếu nguồn lực

Đổi mới chương trình giáo dục mầm non (MN), phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông là một trong 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục năm học 2017-2018. Trong đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tích cực chuẩn bị điều kiện để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (gọi tắt Chương trình). Theo Dự thảo, Chương trình bắt đầu triển khai từ năm học 2018-2019, cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời. Chương trình kế thừa và phát triển những ưu điểm các chương trình giáo dục đã có của Việt Nam; đồng thời, tiếp thu các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới,…

Tuy nhiên, tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện việc đổi mới này. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế Phạm Văn Hùng, Chương trình hay, đáp ứng dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh nhưng Bộ cần cân nhắc lùi thời gian triển khai để địa phương có thời gian chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, cũng như để khoảng 17.000 giáo viên hiểu về Chương trình. Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, Nghệ An và một số tỉnh, thành ĐBSCL đồng tình quan điểm này. Theo lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long, một trong những rào cản thực hiện Chương trình là cơ sở vật chất; nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khó xã hội hóa. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, cho biết: Để thực hiện hiệu quả Chương trình, sĩ số học sinh trong mỗi lớp học phải phù hợp nhưng hiện nay quy mô đa số lớp đông, gây khó khăn cho giáo viên khi đổi mới phương pháp giảng dạy.

TP Cần Thơ, trung tâm vùng ĐBSCL, vẫn còn thiếu thốn cơ sở vật chất, thừa- thiếu đội ngũ giáo viên cục bộ. Thành phố có 455 trường mầm non và phổ thông (trong đó có 261 trường đạt chuẩn quốc gia); nhưng bậc THCS chỉ có 66 trường ở 85 xã, thị trấn, phường; một số huyện vùng ven thành phố còn thiếu phòng học, tình trạng học tạm, học nhờ hoặc điểm lẻ vẫn còn nên sẽ rất khó triển khai Chương trình.

Đội ngũ nhà giáo thừa- thiếu cục bộ, chủ yếu thừa giáo viên THCS; thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, đặc biệt ở các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nhạc, Họa... Theo lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang, tỉnh có hơn 700 trường học nhưng có đến 1.900 điểm lẻ; khoảng cách các điểm là 5-10km. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngành phải tính đến số biên chế theo lớp chứ không thể tính theo đầu người. Toàn ngành còn thiếu gần 1.000 biên chế các cấp (trong đó mầm non thiếu hơn 500 biên chế), ít nhiều gây khó khăn trong quá trình quản lý, giảng dạy.

Cần đầu tư trọng điểm hơn

Phải thừa nhận rằng, những năm gần đây, Trung ương, địa phương có nhiều nỗ lực đầu tư cho GD-ĐT. Nhờ vậy, mạng lưới trường lớp ở các địa phương có sự thay đổi rõ nét theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. So với năm 2015-2016, số trường MN đạt chuẩn quốc gia tăng 631 trường, tiểu học tăng 344 trường, THCS tăng 580 trường và THPT tăng 283 trường. Thế nhưng, nhìn tổng thể bức tranh giáo dục ở mỗi địa phương vẫn còn không ít khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư hơn nữa.

Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết: Bộ GD&ĐT nên xem xét các điều kiện, các địa phương cần chuẩn bị đồng bộ từ cơ sở vật chất đến đội ngũ nhà giáo trước khi triển khai Chương trình. Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tài chính cho giáo dục ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh, Bộ GD&ĐT cần đầu tư trọng điểm, xây dựng trường học theo hướng đạt chuẩn quốc gia, phù hợp với từng vùng, địa phương; giảm sĩ số học sinh/ lớp để dạy và học đạt hiệu quả.

Lùi lại thời gian triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến năm 2019-2020 để các địa phương đủ thời gian chuẩn bị nguồn lực là ý kiến của rất nhiều đại biểu tại Hội nghị. Theo lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, để việc triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả, thực chất, các địa phương rà soát, đánh giá đúng thực trạng về số lượng và chất lượng giáo viên hiện có so với yêu cầu đổi mới. Sau đó có kế hoạch sắp xếp lại, bồi dưỡng, đặt hàng đào tạo giáo viên các môn học mới, tuyển dụng giáo viên các môn còn thiếu. Ngành giáo dục cũng cần nâng cấp, xây mới trường, lớp, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng chương trình mới. Cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hỗ trợ ngành giáo dục làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ trong ngành, phụ huynh, học sinh, người dân hiểu rõ và đồng thuận với quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đổi mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: Khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các Sở GD&ĐT phải tham mưu UBND địa phương về nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo đủ số lượng lẫn chất lượng để triển khai hiệu quả chương trình. Ngành giáo dục đóng vai trò chủ đạo trong việc dự báo nguồn nhân lực nhà giáo để tránh tình trạng thừa- thiếu. Các đơn vị phải đổi mới trên tinh thần khẩn trương nhưng phải đảm bảo chất lượng, chỉ thay đổi một lần và vận dụng trong nhiều năm, tránh lãng phí, tạo lòng tin trong xã hội.

Bài, ảnh: Ng.Ngân

Chia sẻ bài viết