29/04/2012 - 09:28

HỘI NGHỊ “GẶP GỠ ĐỊA PHƯƠNG - NGOẠI GIAO ĐOÀN”:

Thúc đẩy hợp tác khu vực ĐBSCL với các nước

Ngài Audri Mukhopadhyay (trái), Tổng Lãnh sự Canada tại TP HCM, phát biểu trao đổi với lãnh đạo TP Cần Thơ tại hội nghị. Ảnh: M.T

Ngày 28-4, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức gặp gỡ giữa lãnh đạo các địa phương trong khu vực với các nhà ngoại giao đại diện 33 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP)... Tại Hội nghị lần đầu tiên diễn ra tại Cần Thơ này, lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và đại diện các nước, các tổ chức quốc tế đã trao đổi tạo cầu nối liên kết và hiểu biết lẫn nhau. Các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cũng giới thiệu tiềm năng, thế mạnh với bạn bè quốc tế.

* Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam:
BƯỚC ĐẦU ĐỂ ĐBSCL TĂNG CƯỜNG TRAO ĐỔI VỚI CÁC NHÀ NGOẠI GIAO

Hội nghị “Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao đoàn” là bước đầu tiên để khu vực ĐBSCL tăng cường trao đổi, gặp gỡ với các đoàn ngoại giao nước ngoài. Sau này, những buổi gặp gỡ sẽ cụ thể hơn các lĩnh vực hợp tác.

Các tỉnh thành khu vực ĐBSCL có thể kết nối với các nước nhằm tăng cường thu hút các nguồn vốn phát triển, mở rộng thị trường, đào tạo nhân lực, chống biến đổi khí hậu... Mở rộng thị trường không chỉ là tăng cường hợp tác xuất khẩu, mà còn hợp tác chế biến tại Việt Nam.

Nhân hội nghị này, tôi cũng mong các cơ quan đại diện nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, visa cho các lãnh đạo, doanh nghiệp ở ĐBSCL khi tìm hiểu thị trường bạn.

* Ngài Mayerfas, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam:
HY VỌNG TẠO ĐƯỢC QUAN HỆ HỢP TÁC BỀN VỮNG

Nhìn vào kim ngạch thương mại giữa Indonesia và Việt Nam, chúng ta nhận thấy có sự tăng trưởng khả quan từ mức 519,5 triệu USD năm 2010 lên 4,6 tỉ USD năm 2011. Mục tiêu trong thời gian tới là nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỉ USD. Năm 2011, Indonesia là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 1,8 triệu tấn, tôi tin rằng phần lớn trong số các sản phẩm này là từ ĐBSCL. Trong số các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Indonesia có 22 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 200 triệu USD. Tuy nhiên, thực tế tổng vốn đầu tư của Indonesia vào Việt Nam lên đến hơn 2 tỉ USD do một số dự án được đăng ký qua nước thứ ba.

Sự hiện diện của Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội là nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Indonesia và Việt Nam trên mọi phương diện. Những năm gần đây, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương ở nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam để tổ chức nhiều hoạt động, nhằm duy trì và tăng cường quan hệ hợp tác với các chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp địa phương. Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc hoạch định một chương trình hợp tác cụ thể nhằm giải quyết những thách thức phía trước.

* Ngài Joop Scheffers, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam:
HỢP TÁC PHÒNG CHỐNG LŨ MANG LẠI LỢI ÍCH CHO CẢ ĐÔI BÊN

Giống như Việt Nam, Hà Lan chúng tôi đã có kinh nghiệm sống chung với nguy cơ lũ lụt thường xuyên. Khoảng 1/4 diện tích Hà Lan thấp hơn mực nước biển với nhiều con sông chảy qua mà nếu như không quản lý tốt, tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu tính cả lượng mưa nữa thì bạn có thể thấy thảm họa luôn chực chờ với Hà Lan. Năm 1953, thảm họa lũ lụt tại Hà Lan đã làm 1.800 người thiệt mạng. Chúng tôi đã thề với mình là sẽ không bao giờ để điều đó xảy ra một lần nữa. Đó chính là thời kỳ kinh tế hồi phục sau chiến tranh, chúng tôi đã quyết định mở rộng hệ thống đê điều, cống thoát lũ và hệ thống rào chắn lũ lớn nhất thế giới, nằm trong dự án Đồng bằng kỳ vĩ nổi tiếng.

Mặc dù Hà Lan đã hoàn thành các công trình chính của dự án đồng bằng vào năm 1997, như đây là dự án “sống”. Có nghĩa là chúng tôi phải điều chỉnh liên tục, để thích ứng với biến đổi khí hậu, cân bằng yêu cầu môi trường trong sạch với những ưu tiên phát triển kinh tế -xã hội.

Nhiều nhà lãnh đạo khu vực ĐBSCL sẽ nhận ra những thách thức và tôi tin chắc cũng sẽ nhận thấy những cơ hội. Hà Lan đã mất nhiều năm để tìm ra những bí quyết công nghệ phòng chống lũ và Việt Nam có thể tiếp cận những kinh nghiệm đó. Thực tế, nhiều năm qua, Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam phòng chống lũ, giảm thiểu nguy cơ thảm họa và phát triển chính sách. Chúng tôi cho rằng tiếp tục sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

* Sanjay Kalra, Trưởng đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam:
IMF SẴN SÀNG VÀ LUÔN LÀ ĐỐI TÁC TIN CẬY

Mục tiêu chung của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng chất lượng cao, ổn định, bền vững là hoàn toàn tương đồng với các mục tiêu phát triển kinh tế trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Chiến lược này nhấn mạnh sự phát triển bền vững với sự ổn định kinh tế vĩ mô, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường nhăm nâng cao chất lượng sống ở Việt Nam. Trong các lĩnh vực này, nhiệm vụ chính của IMF là ưu tiên quản lý chính sách kinh tế vĩ mô, nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế cấp độ quốc gia và toàn cầu.

Trong tương lai, ĐBSCL cần hướng tới việc củng cố vững chắc những thành tựu phát triển trong 10 năm qua, bằng cách tận dụng những lợi thế cạnh tranh. Khu vực cũng cần đa dạng hơn các nguồn lực tăng trưởng và các lĩnh vực kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 12%/năm của ĐBSCL trong thập niên tới là rất tham vọng, đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về vốn, nhân lực, nâng cao sản xuất và hiệu quả. Tất cả những nỗ lực này, các tổ chức quốc tế sẵn sàng và luôn là đối tác đáng tin cậy.

* Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ:
HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Từ khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đang tiến đến hội nhập toàn diện kinh tế toàn cầu. Với vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật và văn hóa của vùng ĐBSCL, Cần Thơ đang từng bước cải thiện chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch theo hướng công nghiệp- dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2011, Cần Thơ đạt mức tăng trưởng kinh tế 14,64%, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.350 USD, đứng đầu vùng ĐBSCL.

Tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng quá trình triển khai hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Cần Thơ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết là vấn đề vốn. Đây là điểm yếu chung của các doanh nghiệp trên địa bàn. Thứ hai là việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn chậm, đa số doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Thứ ba là trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới ...

Để nâng cao năng lực và hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế tại địa phương, Bộ Ngoại giao cần quan tâm giới thiệu để các cơ quan ngoại giao của các nước đặt Tổng Lãnh sự quán, Lãnh sự quán tại TP Cần Thơ, nhằm tạo điều kiện cho khu vực ĐBSCL hợp tác và mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế.

NGUYỄN MINH (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết