21/06/2018 - 09:39

Nỗ lực đảm bảo chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản 

Thời gian qua, công tác đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm nông lâm thủy sản của TP Cần Thơ đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, công tác này vẫn tồn tại những kẻ hở, đòi hỏi ngành chức năng, doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng phải cùng nhau tìm giải pháp; nâng cao ý thức, trách nhiệm để sản phẩm nông lâm thủy sản được đảm bảo an toàn, chất lượng từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Đây cũng là bước đi căn cơ để sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam nói chung, TP Cần Thơ nói riêng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao tại thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Sản phẩm cá thát lát của Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N là một trong những sản phẩm được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ảnh: MỸ THANH
Sản phẩm cá thát lát của Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N là một trong những sản phẩm được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ảnh: MỸ THANH

Nhiều kết quả

Tháng 4-2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố kết quả xếp hạng các địa phương về triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2017. Theo đó, TP Cần Thơ xếp thứ 2 trong cả nước (thuộc nhóm các địa phương triển khai tốt) với số điểm 87/100 điểm. Đây là tín hiệu vui về nỗ lực của ngành nông nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng nông lâm thủy sản. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 2018, đơn vị tiếp tục quan tâm công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Cụ thể, Chi cục đã triển khai 4 cuộc thanh tra chuyên ngành về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại 48 cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm chả lụa, chả quế, nước mắm chay, tàu hủ ky, muối ớt sấy... Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm, pháp luật quy định về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm được triển khai thường xuyên. Đồng thời, hướng dẫn, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản tuân thủ những quy định về: sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất bảo quản, phụ gia...

Bên cạnh đó, thành phố còn triển khai nhiều hoạt động về đảm bảo an toàn, chất lượng nông lâm thủy sản. Đơn cử như việc tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã xây dựng thành công 17 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Các đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu tham gia chuỗi cung ứng này có thể kể đến là: Công ty cổ phần Gentraco, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Hợp tác xã Nhất Tâm, Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N... Theo ông Nguyễn Minh Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ, xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là nhu cầu cấp thiết và cũng là giải pháp mang tính đột phá  để quản lý tốt chất lượng nông thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ phía người tiêu dùng. Một khi chuỗi cung ứng này hoàn thiện sẽ tác động toàn diện tới việc cải thiện chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần khẳng định và tạo lập niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước về dòng sản phẩm nông lâm thủy sản Việt.

Thực hiện chủ trương kiểm soát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản “từ trang trại đến bàn ăn”, TP Cần Thơ đã hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp từng bước đổi mới phương thức sản xuất theo mô hình liên kết nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc. Ông Lê Đình Dự, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quận Thốt Nốt, cho biết: “Từ đầu năm đến nay quận tiến hành tập huấn giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” cho nông dân ở phường Tân Hưng, Trung Kiên và Thạnh Hòa. Các giải pháp này không chỉ giúp tiết giảm chi phí, tăng năng suất mà còn cải thiện rõ chất lượng lúa gạo đáp ứng đầy đủ yêu cầu xuất khẩu”.

Trên địa bàn thành phố đã và đang hình thành vùng trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung, đạt phẩm chất, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với vú sữa (Lò Rèn, Bơ Tím, Bơ Hồng) ở huyện Phong Điền, xoài Cát Hòa Lộc ở huyện Cờ Đỏ và nhãn Ido của quận Thốt Nốt.  Lĩnh vực thủy sản triển khai xây dựng vùng nuôi thủy sản 228,5ha (cá tra, cá lóc, rô phi) áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP.

Chuyển biến từ sản xuất đến tiêu dùng

Theo đánh giá của ngành chức năng, nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản của thành phố (gạo, thủy sản, trái cây) đã và đang xuất khẩu sang các thị trường khó tính: Mỹ, EU, Nhật Bản… Trong nước, người tiêu dùng Việt cũng yêu cầu cao hơn về dòng sản phẩm này. Do đó, thành phố xác định cải thiện chất lượng, an toàn nông lâm thủy sản của thành phố theo hướng sản xuất đến tiêu dùng. Theo ông Phạm Quang Vinh, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ, ngành nông nghiệp tiếp tục tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản và thủy sản. Về lâu dài, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động tự giác của người dân, trong tất cả các khâu: cung cấp vật tư đầu vào, sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng.

Trong chuyến công tác đầu tháng 6-2018 tại TP Cần Thơ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, chia sẻ: “Tại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo TP Cần Thơ, tôi được chiêu đãi xoài Cần Thơ. Theo tôi, đây là loại xoài ngon vào bậc nhất thế giới. Gần đây, Hoa Kỳ mở cửa cho trái vú sữa Việt Nam. Đây cũng là một loại trái rất ngon. Tuy nhiên, lần đầu tiên nhìn thấy trái vú sữa, tôi không biết cách ăn như thế nào”. Do đó, theo ông Daniel J. Kritenbrink, để quảng bá cho loại trái cây khi xuất khẩu sang thị trường mới, doanh nghiệp nên có những clip hướng dẫn cách ăn. Khi khách hàng biết được cách ăn sẽ cảm thấy thú vị và quan tâm nhiều hơn đến loại trái cây đó.

Ông Nguyễn Minh Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện ngành nông nghiệp thành phố đã xây dựng Kế hoạch “Nhân rộng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và định hướng áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020”. Đây là giải pháp đột phá, giúp nhận diện sản phẩm an toàn, minh bạch thông tin hàng hóa từ lúc sản xuất cho đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, cho phép cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng có đầy đủ thông tin ngược dòng từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu”. Như vậy, với việc chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn kết hợp với truy xuất nguồn gốc điện tử, dòng sản phẩm nông lâm thủy sản của thành phố hứa hẹn không chỉ chinh phục người tiêu dùng Việt mà còn tự tin khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết