26/08/2018 - 09:26

Ngành công nghiệp phim hoạt hình Nhật bước sang thời kỳ mới 

Hơn 100 năm hình thành và phát triển, ngành công nghiệp phim hoạt hình Nhật từng trải không ít thăng trầm. Thời kỳ vàng son với những đạo diễn, họa sĩ lão luyện đưa Nhật trở thành một trong hai ngành công nghiệp hoạt hình lớn nhất thế giới. Khi những cây đại thụ như Hayao Miyazaki, Takahata Isao, Toshi Suzuki… dần lui về hậu trường, khiến phim hoạt hình Nhật đối mặt với không ít khó khăn, tụt dốc. Thế nhưng điều đó đã dần được thay đổi, mang đến cho ngành công nghiệp này những thành công mới.

“Detective Conan: Zero the Enforcer” đang là phim hoạt hình gây chú ý của Nhật ngoài rạp.

Bước ngoặt thay đổi

Sau hơn hai thập niên đối mặt với khó khăn, ngành công nghiệp phim hoạt hình Nhật dần có những dấu hiệu lạc quan về triển vọng kinh doanh và những đổi mới. Sự thay đổi này một phần nhờ vào tác động của thị trường điện ảnh Nhật. Khoảng 4 năm nay, Nhật đang dần giữ lại giữ vị thế là thị trường điện ảnh lớn thứ ba trên thế giới, đứng sau Mỹ và Trung Quốc về tỷ lệ khán giả đến rạp và doanh thu phòng vé. Cụ thể, năm 2016, phòng vé Nhật đạt mức kỷ lục là 2,1 tỉ USD với khoảng 180 triệu người đến rạp. Sự bứt phá này một phần nhờ vào sự thành công của phim hoạt hình “Your name”, có doanh thu cao thứ hai trong lịch sử điện ảnh Nhật với 24,4 tỉ Yên (khoảng 214 triệu USD). Trong khi đó, thống kê ở năm 2017, đứng đầu phòng vé Nhật vẫn là phim hoạt hình. “Detective Conan: The Crimson love letter” là tác phẩm phát hành nội địa có doanh thu cao nhất với 65 triệu USD. Trong 5 phim đứng đầu phòng vé Nhật năm qua thì đã có hơn phân nửa là phim hoạt hình, phần lớn đều là phim nội địa; tác phẩm đến từ Hollywood chỉ chiếm 1-2 phim. Điều đó góp phần vào sự sụt giảm thị phần Hollywood tại Nhật Bản trong hơn một thập niên qua, cho phép phim nội địa lên ngôi. Năm ngoái, phim nội địa Nhật Bản đạt 149 tỉ Yên (hơn 1,4 tỉ USD), chiếm 63% doanh thu phòng vé, trong khi vào năm 2002, con số này chỉ ở mức 27%.

Những khó khăn về tài chính hay nhân lực, công nghệ của phim hoạt hình Nhật cũng đang dần được tháo gỡ. “In This Corner of the World” (2017) của Sunao Katabuchi, được góp vốn sản xuất từ hơn 3.400 người để có khoảng 39 triệu Yên sản xuất phim. “In This Corner of the World” ra rạp đã chinh phục khán giả nội địa lẫn quốc tế với doanh thu khoảng 2,5 tỉ Yên; nhận không ít ngợi khen từ các trang phê bình quốc tế; chiến thắng Phim hoạt hình xuất sắc nhất của Viện Hàn lâm Nhật Bản. Một thành công khác phải kể đến chính là “Detective Conan: Zero the Enforcer” (2018) phim đứng đầu 7 tuần liên tiếp tại phòng vé Nhật với doanh thu hơn 8 tỉ Yên, hiện gây sốt phòng vé của các nước châu Á và Bắc Mỹ.

Shinnosuke Takeuchi, phụ trách các lĩnh vực giải trí tại Ngân hàng đầu tư Jefferies, Tokyo, nhìn nhận: khán giả từ 10-19 tuổi đến rạp xem phim đã có xu hướng tăng lên từ năm 2012 và đây là xu hướng có đóng góp của phim hoạt hình. Mặt khác, Shinnosuke Takeuchi cũng cho rằng số người đến rạp đã tăng 4% trong giai đoạn 2015 - 2017, tạo lợi thế cho phim nội địa khi người Nhật vốn chuộng và trung thành với các thương hiệu gắn với tự tôn dân tộc. Ngành công nghiệp phim hoạt hình vì thế cũng được quan tâm và hưởng lợi. 

Một thế hệ mới xuất hiện

Ngành công nghiệp phim hoạt hình Nhật có một thế hệ nhà làm phim tài năng mới. Khi những cây “đại thụ” như Hayao Miyazaki, Takahata Isao rút lui, ngành hoạt hình Nhật vấp phải nhiều điêu đứng; nhưng khó khăn đó đã được giải quyết bằng những tầm nhìn mới. Hiệp hội Hoạt hình Nhật Bản đánh giá phim hoạt hình đã tăng trưởng ổn định trong 6 năm qua, với doanh thu cao chưa từng thấy, số lượng phim sản xuất nhiều hơn, nhắm tới nhiều đối tượng khán giả và các thị trường nước ngoài ngày càng phát triển. Ngành đã có những tác phẩm gây chú ý “Napping Princess”, “Genocidal organ”, “In This Corner of the World”… đến khi “The Wind Rises” nhận đề cử Oscar Phim hoạt hình xuất sắc nhất và “Your Name” tạo nên cơn sốt bùng nổ phòng vé quốc tế.

Hayao Miyazaki thừa nhận và khẳng định: “Thời đại của tôi đã hết”. Bởi vì ngành công nghiệp phim hoạt hình đang tạo nhiều cơ hội cho người mới: Mamoru Hosoda thành công với “Summer Wars”, “The Girl Who Leapt Through Time”, “The Boy and the Beast”; Hiromasa Yonebayashi với “The Secret World of Arrietty”, “When Marnie was there”; hay Goro với “Tales from Earthsea”, “From up on Poppy Hill”; Tachikawa Yuzuru với “Detective Conan: Zero the Enforcer”; Sunao Katabuchi với “In This Corner of the World”… Đạo diễn Mamoru Hosoda nói: “Nhiều người cho rằng phim hoạt hình Nhật Bản đã kết thúc rồi. Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, đây là sự ra đời của một nền công nghiệp mới”.

Bảo Lam (Tổng hợp từ Hollywood Reporter, Animenewsnetwork)

Chia sẻ bài viết