08/12/2007 - 22:16

Kiểm soát chặt để giảm bội chi

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa công bố vỡ Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), số tiền kết dư 2.800 tỉ đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT trong 10 năm đã tiêu xài hết trong một năm.

Giữa năm 2006, Nghị định 63 thay đổi, mở rộng điều lệ KCB BHYT. Đến cuối năm 2006, Quỹ BHYT đã bội chi thanh toán KCB BHYT tự nguyện 1.800 tỉ đồng. Đầu năm 2007, liên Bộ Tài chính và Y tế ban hành Thông tư 06 nhằm hạn chế người dân tham gia BHYT tự nguyện để tránh vỡ quỹ. Thế nhưng, nửa năm 2007, Quỹ BHYT tự nguyện tiếp tục bội chi thêm 1.000 tỉ đồng, trong khi thu phí BHYT tự nguyện chỉ đạt 300 tỉ đồng.

Nhiều người cho rằng vỡ Quỹ BHYT là do qui định mới mở rộng quá mức quyền lợi của người bệnh, làm cho quỹ này nhanh chóng hết tiền. Nhưng thực tế không hẳn là như vậy. Nguyên nhân vỡ quỹ BHYT chính là do phương thức thanh toán và quản lý chi tiêu. Cụ thể là việc thanh toán theo phí dịch vụ và khuyến khích cơ sở y tế KCB BHYT sử dụng nhiều dịch vụ để Quỹ BHYT thanh toán các dịch vụ đó. Một nguyên nhân nữa làm vỡ quỹ là do yếu kém trong khâu kiểm soát việc chi trả BHYT. Sự kiện một trạm y tế ở tỉnh Sóc Trăng lập hàng trăm hồ sơ khống để thanh toán trên 50 triệu đồng từ Quỹ BHYT, mà báo chí thông tin gần đây, là một ví dụ. Sau sự kiện này, nhiều người không thể không tự hỏi: Cả nước có trên 11.000 trạm y tế và hàng ngàn bệnh viện KCB BHYT. Liệu còn bao nhiêu đơn vị đã và đang làm kiểu này và ai kiểm soát? Trong khi đó, số người tham gia BHYT tự nguyện đã bị hạn chế bởi Thông tư 06, giảm từ 3 triệu người (năm 2006) xuống còn 700.000 người hiện nay. Lẽ ra, người dân, mà cụ thể là những người đóng BHYT, phải được hưởng lợi từ việc kết dư Quỹ BHYT. Thế nhưng, trên thực tế, rất nhiều người bệnh thuộc diện đóng BHYT luôn kêu ca, phàn nàn vì không được các y, bác sĩ đối xử công bằng như đối với những người KCB dịch vụ trả tiền.

Quỹ BHYT hết tiền, người dân đóng BHYT không được chăm sóc tốt là một thực tế đi ngược chủ trương của Chính phủ tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2010. Vừa qua, Chính phủ đã phải tạm ứng 2.000 tỉ đồng từ BHXH bắt buộc cho việc KCB BHYT tự nguyện. Thế nhưng, số tiền này dự kiến chỉ đủ chi cho nửa năm 2008. Để giải tỏa bức xúc của người dân, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam vừa họp bàn để bãi bỏ qui định “bất cập” bắt buộc từ 10% số hộ dân trên địa bàn xã đăng ký tham gia BHYT tự nguyện theo Thông tư 06. Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ cho nâng mức phí đóng BHYT của nhóm người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi từ 80.000 đồng/thẻ và 110.000 đồng/thẻ lên 162.000 đồng/thẻ; khai thác nguồn quỹ BHYT từ nhóm doanh nghiệp trốn mua BHYT cho người lao động hoặc khai man lương thấp để nộp tiền bảo hiểm ít; chuẩn hóa các xét nghiệm nhằm tránh lặp lại công việc này khi chuyển người bệnh từ tuyến huyện chuyển lên tuyến tỉnh, Trung ương nhằm hạn chế tình trạng lãng phí quỹ BHYT...

Có thể nói, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng bội chi Quỹ KCB BHYT đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, nếu khâu kiểm soát chi tiêu và phương thức thanh toán KCB BHYT không hợp lý, chưa chặt chẽ, thì tình trạng bội chi, vỡ quỹ BHYT sẽ khó ngăn chặn. Như vậy, cũng có nghĩa là còn nhiều người đóng tiền mua thẻ BHYT vẫn chưa được khám, chữa trị bệnh và chăm sóc đúng mức.

VŨ HÀ

Chia sẻ bài viết