25/07/2018 - 07:02

Doanh nghiệp cần bản lĩnh và sự kiên trì 

Những năm gần đây, khởi nghiệp dựa trên nền tảng đổi mới công nghệ, khai thác tài sản trí tuệ, ứng dụng mô hình kinh doanh mới đã và đang là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) là quá trình đầy cam go và thử thách. Vậy DN phải làm gì để tồn tại trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, nguồn tài nguyên thiên nhiên suy kiệt trong khi DN có vốn đầu tư hạn hẹp, kinh nghiệm quản lý, ứng phó tình huống còn hạn chế…

Nhiều rủi ro

Phong trào KNĐMST đã và đang diễn ra rầm rộ trên cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Từ đây, nhiều DN KNĐMST được hình thành, phát triển và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của nhiều địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, tỷ lệ DN KNĐMST thành công rất thấp, chỉ vào khoảng 10-20%. Bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, nhận định: “Nhiều rủi ro và khó khăn là điều mà các cá nhân, DN KNĐMST (Startup) chắc chắn sẽ gặp phải. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu thị trường, nhiều công ty của Startup không có cơ hội “kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2” của mình. Nguyên nhân một phần do thiếu vốn, sự cạnh tranh gay gắt, thiếu kỹ năng diễn đạt ý tưởng, chưa tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm cho hoạt động khởi nghiệp”.

Trưng bày sản phẩm các dự án vào vòng bán kết Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp vào tháng 9-2017. Ảnh: MỸ THANH
Trưng bày sản phẩm các dự án vào vòng bán kết Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp vào tháng 9-2017. Ảnh: MỸ THANH

Bà Lê Minh Hồng Phúc, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tôi Là V, chia sẻ: “Đối với sinh viên chẳng hạn, quá trình KNĐMST gặp rất nhiều trở ngại vì kiến thức học trên ghế nhà trường khác xa với thực tiễn sản xuất, kinh doanh.  Ngoài ra, việc tìm được người đồng hành, cộng sự cùng khởi nghiệp cũng nan giải vì mối quan hệ này phải xây dựng dựa trên niềm tin và sự tôn trọng. Đó là chưa kể, chúng tôi còn phải cạnh tranh với các đối thủ đã có nhiều kinh nghiệm, thâm niên từ 10, 20, thậm chí 30 năm!”. Theo phản ánh của nhiều địa phương, thúc đẩy, hỗ trợ là các hoạt động nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho các cá nhân và DN KNĐMST hoạt động hiệu quả. Trong đó, đáng kể nhất là việc tạo hành lang pháp lý vững chắc, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hoạt động KNĐMST; kết nối đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, các hoạt động này đã và đang gặp phải những khó khăn như: chính sách không theo kịp tốc độ khởi nghiệp, khó nắm bắt nhu cầu cần hỗ trợ của các Startup, thiếu gắn kết các thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST…

Nhiều DN thành công trong lĩnh vực KNĐMST khẳng định, KNĐMST không phải là con đường bằng phẳng và đích đến luôn là sự thành công mà đầy chông gai, đòi hỏi sự bền bỉ và nỗ lực. Ông Lâm Minh Chánh, Người sáng lập và điều hành Trường Doanh nhân Bizuni; Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Super VIP, đặt vấn đề:  “Bạn mới ra trường, hai bàn tay trắng và không có kinh nghiệm. Vậy nếu ý tưởng khởi nghiệp của bạn phá sản và phải đối mặt với nợ nần thì bạn sẽ giải quyết ra sao? Điều này đòi hỏi năng lực và sự sáng suốt của DN khởi nghiệp. Do đó, tôi cho rằng, trước khi bắt tay vào khởi nghiệp, bản thân DN phải xác định là mình có đủ bản lĩnh chấp nhận và đối mặt với quy luật của cuộc chơi hay không?”.

Nhận diện thách thức để có hướng đi đúng

 

Liên quan đến vấn đề vốn phục vụ KNĐMST, bà Lê Minh Hồng Phúc, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tôi Là V, chia sẻ: “Bất kỳ DN khởi nghiệp nào cũng cần vốn nhưng cần có sự cân nhắc, xác định rõ nguồn vốn đó sẽ sử dụng vào mục đích gì, kế hoạch sử dụng, khả năng thu hồi vốn... Nếu DN không tính toán kỹ lưỡng vấn đề này thì có thể phải gánh chịu hậu quả và trả một cái giá rất đắt trong tương lai”.

Tại buổi Tọa đàm “Startup - Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo kinh nghiệm để thành công”, nhiều ý kiến cho rằng, để KNĐMST thành công cần nhiều yếu tố, trong đó 2 yếu tố quyết định là: Các hoạt động hỗ trợ và bản thân Startup phải biết họ cần gì, làm gì để có giải pháp khả thi và tận dụng tốt các nguồn lực phát triển. “Để giảm thiểu rủi ro và đi đến thành công, ngoài việc xây dựng vững chắc nguồn lực bên trong (ý tưởng kinh doanh khả thi, xây dựng một chiến lược kinh doanh thông minh, trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết), các Startup cần phải nắm bắt và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài (kịp thời nắm bắt thông tin đặc biệt là các thông tin về hệ sinh thái KNĐMST – nơi  thúc đẩy, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các Startup). Điều đó cho thấy vai trò rất lớn của các tổ chức thúc đẩy, hỗ trợ KNĐMST”- bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, nhận định.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Đứng ở góc độ quản lý nhà nước,  để KNĐMST thành công thì trước hết lãnh đạo địa phương đó phải có quyết tâm và đơn vị được giao trách nhiệm “đầu mối” phải có kế hoạch, lộ trình KNĐMST rõ ràng, phù hợp. Bởi nói đến KNĐMST thì không chỉ bản thân DN mới đổi mới sáng tạo mà cơ quan quản lý nhà nước cũng phải đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận thức rõ là nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy chứ không phải là nhà đầu tư và có trách nhiệm bơm vốn cho DN”. Một số ý kiến cho rằng, các cuộc thi về KNĐMST đã gặt hái thành công bước đầu trong việc tìm kiếm và phát triển ý tưởng KNĐMST. Do đó, các cuộc thi này cần được phát động không chỉ cấp tỉnh, thành phố mà xuống cả quận, huyện. Như vậy mới có thể phát hiện, sàng lọc và hoàn thiện các ý tưởng KNĐMST một cách trọn vẹn và thiết thực nhất.

Về vấn đề tận dụng nguồn lực để KNĐMST, ông Đoàn Thiên Phúc, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Tic Tag JSC cho rằng, DN không thể mãi trông chờ vào các nguồn lực đầu tư bên ngoài mà phải tự tạo ra nguồn lực trên cơ sở xác định rõ ràng về tiềm lực tài chính, nhân sự, kiến thức chuyên môn… của bản thân. Sự nhận thức này hết sức quan trọng, bởi từ đó DN sẽ có kế hoạch tận dụng tối đa nguồn lực hiện có để tạo nên thứ mình cần.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết