19/04/2018 - 15:11

Để nông thôn TP Cần Thơ trở thành nơi đáng sống 

Đó là thông điệp đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) gửi gắm trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) TP Cần Thơ về tình hình thực hiện công tác này...

Nâng  chất lượng cuộc sống

Tính đến cuối tháng 3-2018, TP Cần Thơ có 27/36 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 75%). Kết quả thực hiện Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về xét công nhận xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đối với 27 xã đạt chuẩn giai đoạn 2011-2017 có 5 xã đạt 19 tiêu chí, 8 xã đạt 18 tiêu chí, 12 xã đạt 17 tiêu chí và 2 xã đạt 16 tiêu chí. Đối với 9 xã phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2018-2020 có 1 xã đạt 19 tiêu chí, 2 xã đạt 15 tiêu chí, 2 xã đạt 14 tiêu chí, 2 xã đạt 13 tiêu chí và 2 xã đạt 11 tiêu chí. Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung, cho biết: "Thành ủy chỉ đạo XDNTM không chạy theo thành tích, đúng thực chất, không để xảy ra tình trạng nợ đọng, nợ tiêu chí. Hằng năm, thành phố đều phân công 36 thành ủy viên phụ trách chỉ đạo trực tiếp 36 xã về XDNTM".

Một tuyến đường giao thông nông thôn tại xã nông thôn mới Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn đánh giá: "Cần Thơ đã nỗ lực trong XDNTM và chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành những "Cánh đồng lớn" và có sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền nhằm xóa khoảng cách giữa thành thị và nông thôn". Song song đó, phong trào "Cần Thơ chung sức XDNTM" được triển khai rộng khắp, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các đoàn thể, đơn vị. Bà Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ, cho biết: "Mặt trận thành phố đang đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh" thông qua việc thành lập 179 tổ chỉ đạo thực hiện và 481 mô hình của các tổ chức thành viên. Để giữ vững các tiêu chí, đặc biệt trong hỗ trợ người nghèo, Ủy ban MTTQVN thành phố phân công Ban Công tác Mặt trận và các tổ chức thành viên đảm nhiệm giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn".

Thành phố có nhiều cố gắng vận động giúp đỡ, ủng hộ người nghèo và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. TP Cần Thơ thực hiện các chính sách ưu đãi như: tín dụng ưu đãi; khám chữa bệnh cho người nghèo; hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục - đào tạo; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật... Nhờ vậy, đến nay, toàn thành phố có 34/36 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo (có tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn 4%). Hầu hết các nhà văn hóa (Trung tâm văn hóa - thể thao xã) đều được trang bị các trang thiết bị như: bàn, ghế hội trường, phòng chức năng, thiết bị âm thanh, truyền thanh, tủ, sách, báo, tạp chí… Từ đó, tạo thuận lợi cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Thành phố có 31/36 xã đạt chuẩn tiêu chí số 16 về văn hóa và 26/36 đạt chuẩn tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, đầu tư nâng cấp trang thiết bị và kiện toàn tổ chức, bộ máy, phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân...

Còn khó khăn

Trong năm 2018, TP Cần Thơ dự kiến công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2019 sẽ công nhận các xã còn lại để hoàn thành kế hoạch trước 1 năm so với Nghị quyết của Đảng bộ thành phố. Mục tiêu này đòi hỏi thành phố phải có nhiều nỗ lực và quyết tâm chính trị cao vì hầu hết các xã còn lại điều kiện hết sức khó khăn và điểm xuất phát thấp. Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung, chia sẻ: "Cơ cấu kinh tế của TP Cần Thơ khu vực nông nghiệp chỉ chiếm 8%, còn công nghiệp - thương mại - dịch vụ chiếm 92%. Trong khi đó, người dân sống ở nông thôn chiếm đến 60% dân số. Năm 2017, GRDP của thành phố đạt 67.000 tỉ đồng, nhưng khu vực nông nghiệp chỉ chiếm 8% cho thấy thu nhập của nông dân không bao nhiêu. Do đó, làm sao nâng được mức sống của người dân luôn là vấn đề được thành phố quan tâm".

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, đặc biệt lưu ý, thành phố cần tập trung cho công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nông thôn mới. Để nâng cao mức sống của người dân nông thôn, các xã ưu tiên phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả… Song song đó, tập trung cho công tác giữ gìn an ninh trật tự, cảnh quan môi trường; xử lý rác; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất sạch, tránh tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”… Các nhiệm vụ này cần thực hiện thường xuyên, để từng bước đưa nông thôn TP Cần Thơ thành một nơi đáng sống.

Thực tế quá trình XDNTM của thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn như: yêu cầu tiêu chí thu nhập, bảo hiểm y tế theo Bộ Tiêu chí mới khá cao tạo áp lực cho các xã; việc huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, nhân dân để thực hiện các tiêu chí còn hạn chế. Một số ngành, địa phương chưa lồng ghép nhuần nhuyễn các chương trình, dự án hiện có để tăng năng lực và hiệu quả cho chương trình XDNTM ở các xã... "Thu nhập bình quân đầu người theo tiêu chuẩn mới phải đạt 50 triệu/người/năm vào năm 2020. Hiện nay huyện chỉ đạt 35 triệu đồng/người/năm và để nâng lên thì không phải vấn đề đơn giản. Do đó, để huyện phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, thành phố cần ban hành chính sách phát triển triển du lịch đặc thù; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch Phong Điền thành vùng chuyên canh cây ăn trái (500-700ha) sản xuất theo quy trình sạch để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu" - ông Nguyễn Quang Nghị, Bí thư Huyện ủy Phong Điền đề xuất.

Để thực hiện thành công chủ trương XDNTM, rất cần  các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia phong trào thi đua cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh" và đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo ở các huyện; đầu tư thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, công nghệ cao… để tạo sức lan tỏa, XDNTM.

Bài, ảnh: MỸ THANH 

Chia sẻ bài viết