30/04/2012 - 22:06

Đào tạo tiếng Pháp: Đang cơn bĩ cực ?

Học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền trong
giờ học tiếng Pháp.

Trong quá trình toàn cầu hóa, việc biết thêm ngoại ngữ thứ hai, bên cạnh tiếng mẹ đẻ hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Tiếng Pháp là một trong hai thứ tiếng (tiếng Anh) thông dụng ở Việt Nam. Thế nhưng, thời gian qua, việc tuyển sinh, đào tạo tiếng Pháp ở các trường phổ thông, đại học ở TP Cần Thơ ngày càng ít dần... Nguyên nhân do đâu?

Cô Đào Thị Thanh Lam, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Ngô Quyền, cho biết: “Hằng năm, trường đều tuyển sinh 2 lớp tiếng Pháp, mỗi lớp 30 học sinh. Trường có thế mạnh là có đủ lực lượng giáo viên và có kinh nghiệm dạy tiếng Pháp. Qua nhiều kỳ thi tuyển sinh đầu cấp, chất lượng, số lượng học sinh dự thi ngày càng cao”. Hiện nay, trường có 10 lớp tiếng Pháp từ lớp 1 đến lớp 5, với trên 300 học sinh. Dự kiến vào tháng 6-2012, trường tuyển sinh 2 lớp, với 30 học sinh/lớp cho năm học 2012-2013. Trước đây, những học sinh học chương trình tiếng Pháp sẽ học 12 tiết tiếng Pháp mỗi tuần nhưng từ năm học 2010-2011, Bộ GD&ĐT quy định giảm xuống còn 10 tiết/tuần. Để nâng cao chất lượng giáo dục, học sinh học các lớp tiếng Pháp phải thi tuyển và đạt đầu vào (giỏi về tiếng Việt và cả tiếng Pháp). Khi trúng tuyển vào lớp tiếng Pháp, học sinh sẽ được các giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Pháp truyền thụ kiến thức, kỹ năng về bộ môn này.

Để đáp ứng nhu cầu của một số phụ huynh học sinh muốn cho con em mình học chương trình tiếng Pháp. Sở GD&ĐT TP Cần Thơ không ngừng duy trì và mở rộng chương trình tăng cường tiếng Pháp. Hiện nay, thành phố có một số trường TH dạy chương trình tiếng Pháp là: Ngô Quyền, Mạc Đĩnh Chi, Trần Quốc Toản, Bình Thủy, An Thới,... Bậc THCS có Trường THCS Lương Thế Vinh, Đoàn Thị Điểm. Riêng bậc THPT, có 2 trường (Châu Văn Liêm và Chuyên Lý Tự Trọng) xét tuyển lớp 10 lộ trình A chương trình song ngữ Việt -Pháp, dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THCS và kết quả thi hết cấp THCS chương trình dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp.

Không thể phủ nhận sự nỗ lực đầu tư của ngành giáo dục nhằm duy trì và mở rộng chương trình tiếng Pháp, nhưng thực tế triển khai môn học này ngày càng khiến các nhà quản lý giáo dục “đau đầu”. Bởi lẽ, ở bậc học càng cao thì số học sinh theo học môn này càng ít. Tại hội nghị thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh 2012, do Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức vào ngày 26-4 vừa qua, đại diện Ban Giám hiệu Trường THPT Châu Văn Liêm cho rằng, việc xét tuyển lớp 10 lộ trình A chương trình song ngữ Việt -Pháp hết sức khó khăn, bởi nguồn tuyển từ THCS rất ít, trường luôn tuyển không đủ chỉ tiêu để mở lớp. Tương tự, những năm gần đây, Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng cũng tuyển không đủ chỉ tiêu (bình quân 35 học sinh/ lớp); kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 năm học 2011-2012 sắp tới, trường chỉ có 9 trong tổng số 170 học sinh đăng ký dự thi. Cô Cao Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, cho biết: “Học sinh theo học môn chuyên Sử, Địa, tiếng Pháp rất ít, trong khi đó nguồn tuyển đầu vào các môn chuyên Toán, Lý, Hóa lại rất dồi dào. Để khuyến khích học sinh theo học chương trình song ngữ Việt -Pháp, học sinh học môn tiếng Pháp đạt điểm trung bình 8,0 trở lên sẽ được cộng thêm 0,3 vào điểm trung bình cả năm, còn 6,5-8,0 thì được cộng thêm 0,2... nhưng vẫn chưa thu hút được học sinh”.

Một khi nguồn tuyển ở bậc phổ thông khó khăn thì tất yếu việc tuyển sinh ở bậc học cao hơn ngày càng khó hơn. Theo thống kê của Trường Đại học Cần Thơ, trong 3 năm qua (2009 đến 2011), hằng năm, thí sinh đăng ký dự thi vào ngành Sư phạm, Pháp văn, Ngôn ngữ Pháp văn chưa vượt qua con số 100, dù trường đã phải mở rộng thêm khối tuyển D1 (Toán, Văn, Anh văn), ngoài khối D3 (Toán, Văn, Pháp văn). Chỉ tiêu tuyển bình quân mỗi năm của trường từ 40-50 sinh viên/ lớp nhưng phải đến nguyện vọng 2, trường mới đủ chỉ tiêu cho 2 ngành này. Thầy Võ Văn Chương, Trưởng Bộ môn Sư phạm Pháp văn, Khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Có năm, trường tuyển sinh ngành Cử nhân Pháp văn nhưng vẫn không thể mở lớp, do tuyển không đủ chỉ tiêu. Hiện nay, khoa đang đào tạo gần 200 sinh viên ở 2 ngành Sư phạm Pháp văn, Ngôn ngữ Pháp văn”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày càng ít học sinh theo học tiếng Pháp. Theo cán bộ quản lý ở các trường, chương trình học tiếng Pháp khá nặng nên một số học sinh sau thời gian “đeo” theo học tiếng Pháp đã xin chuyển chương trình học khác. Cô Ngọc Hà phân tích: “Học sinh học chương trình song ngữ Việt-Pháp, buổi sáng các em học chương trình bình thường, chiều học các môn văn hóa (Sinh, Toán, Lý...) bằng tiếng Pháp. Vì thế, chương trình khá nặng và căng thẳng. Tất nhiên không thể phủ nhận lợi ích khi học chương trình, bởi sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ được 2 bằng (bằng tốt nghiệp do Bộ GD&ĐT cấp và một bằng tiếng Pháp)”. Còn theo thầy Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ, thực tế nhu cầu sử dụng, tuyển dụng nhân sự tiếng Pháp ở các đơn vị sử dụng ngày càng ít so với tiếng Anh. Do đó, nhiều phụ huynh, học sinh không “mặn mà” theo học ngành này. Tuy nhiên, ông An cũng cho rằng, nếu việc tuyển sinh khối ngành này không được cải thiện, đến lúc nào đó nguồn nhân lực tiếng Pháp sẽ thiếu trầm trọng. Trong khi đó, tiếng Pháp là ngôn ngữ khá quan trọng, nhất là trong quá trình đất nước đang hội nhập nền kinh tế quốc tế.

Để thu hút thí sinh học tiếng Pháp, cải thiện đầu vào tuyển sinh ở các trường phổ thông, đại học, theo thầy Võ Văn Chương, nếu giải quyết tốt “đầu ra” thì sẽ cải thiện “đầu vào”. Vì thế, ngoài sự nỗ lực của nhà trường, rất cần sự hỗ trợ của các đơn vị trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên. Sắp tới, bộ môn sẽ tăng cường đào tạo chuyên môn, nhất là kỹ năng cho sinh viên; đưa vào chương trình đào tạo những môn học tự chọn liên quan đến du lịch, thương mại,... giúp sinh viên không chỉ làm việc trong môi trường sư phạm mà còn cả ở lĩnh vực khác. Đồng thời đẩy mạnh mối quan hệ với các đơn vị, doanh nghiệp để giúp sinh viên dễ dàng tìm việc sau khi tốt nghiệp. Còn theo cán bộ quản lý ở các trường, cần có nhiều chính sách đầu tư mang tính chất đột phá, như: miễn giảm học phí, tạo việc làm sau khi tốt nghiệp, đi đôi với việc tạo môi trường làm việc thông thoáng... sẽ thu hút học sinh học tiếng Pháp.

Bài, ảnh: NGỌC NGÂN

Chia sẻ bài viết