29/01/2011 - 09:40

Bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam

 Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Hà Nội, 1945. Ảnh: TƯ LIỆU

Cách nay vừa tròn thế kỷ (1911) trong bối cảnh lịch sử các phong trào yêu nước bị khủng hoảng về đường lối đấu tranh dẫn đến thất bại, cả dân tộc đang chìm trong cảnh bị áp bức, lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Bác Hồ của chúng ta - quyết định rời đất nước mong tìm ra một lối thoát cho dân tộc từ việc tìm hiểu tình hình xã hội ở chính các nước thực dân.

Từ bến Nhà Rồng - Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) điểm đến đầu tiên của Bác là nước Pháp. Những tháng năm bôn ba hải ngoại, Bác đã đặt chân lên hầu khắp các châu lục. Bác nhận ra rằng ở đâu cũng chỉ thấy hai loại người: “người bóc lột và người bị bóc lột”. Bác xuất bản tờ báo Người Cùng Khổ... Bác ký tên Nguyễn Ái Quốc vào bản “Yêu sách của nhân dân Việt Nam” yêu cầu các nước đồng minh thắng trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất, trong đó có Pháp phải tôn trọng quyền tự do bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Bác tham gia Đảng Xã hội Pháp, tiếp thu và học tập chủ nghĩa Mác Lênin. Và Bác đã gặp “Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, đây chính là con đường giải phóng dân tộc mà bấy lâu nay Bác tìm kiếm: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”. Ngày 3-2-1930, Bác chủ trì hợp nhất các tổ chức Cộng sản trong nước thành một chính đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội thông qua Chính cương Điều lệ do Bác dự thảo. Kể từ đây giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam có một chính đảng lãnh đạo.

Từ năm 1940, tình hình thế giới có nhiều thay đổi. Bác quyết định trở về nước lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, mở ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam.

Ngày 8-2-1941, Bác và đoàn tùy tùng đã về bên này cột mốc biên giới. Đồng chí
Lê Quảng Ba dẫn đường đi trước, Bác đi sau, rồi đến đồng chí Phùng Chí Kiên...

Khi đến cột mốc 108 - cột mốc bằng đá như một tấm bia, hai mặt có khắc chữ Trung Quốc và chữ Pháp - Bác dừng lại, cúi đọc những chữ khắc sâu trong đá, rồi hướng tầm mắt nhìn vọng hồi lâu tới dải đất Tổ quốc trùng điệp.

“Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!

Nhớ thương, hòn đất, ấm hơi Người.

Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ,

Mà đến bây giờ mới tới nơi!”

(Tố Hữu)

Tài sản của Bác sau bao nhiêu năm đi khắp năm châu bốn biển, giờ đây vẫn chỉ một chiếc va-li con, trong đựng một ít tài liệu quan trọng và một chiếc máy chữ của các đồng chí trong nước gửi cho trước đây.

Pác-Bó, nơi địa đầu Tổ quốc, thay mặt Đất Mẹ, đón người con vĩ đại nhất của dân tộc, sau 30 năm xa cách, lần đầu tiên vui Xuân trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc.

Nhớ buổi Bác về nước, nhà thơ Chế Lan Viên viết:

“Nở trắng hoa kim anh trên biên giới, Bác về

Xa nước ba mươi năm, một câu Kiều, Người vẫn nhớ.

Mái tóc Bác đã phai màu quá nửa

Lòng son ngời như buổi mới ra đi”.

Pác-Bó là nơi đặt chân đầu tiên của Bác khi về nước, và sau đó vẫn là nơi đóng cơ quan của Bác cho đến lúc Bác chuyển về Tân Trào (4-5-1945).

Pác-Bó là một bản nhỏ thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nằm sát biên giới Việt - Trung, cách thị xã Cao Bằng gần 60km. Nhân dân trong vùng chủ yếu là người Nùng.

Tả cảnh Pác-Bó, Bác viết:

“Chung quanh xanh ngắt một màu

Hoa chen lá phủ, trên đầu bóng cây.

Chim từng lũ, thú từng bầy,

Thú kêu inh ỏi, chim bay là là.

Giọng khe róc rách dưới nhà

Bên tường cảnh vẽ bức hoa bên mình”.

Trong sương giá lạnh của miền núi đá biên cương, Bác sống và làm việc trong hang Pác-Bó. Trước hang, có dòng suối chảy về xuôi và dãy núi đá xanh. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đó đã được Bác thể hiện trong bài thơ “Pác-Bó hùng vĩ”:

“Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là.

Đây suối Lênin, kia núi Mác

Hai tay xây dựng một sơn hà”.

Dòng suối không tên từ ngày có Bác về, đã trở thành suối Lênin, ngọn núi không tên đã trở thành núi Mác. Từ suối Lênin, từ núi Mác, ánh sáng cách mạng đã tỏa rộng muôn nơi ...

Ở Pác-Bó, cuộc sống tuy vô cùng khó khăn và kham khổ, nhưng Bác vẫn ung dung, thanh thản, luôn lạc quan, tin tưởng vào tiền đồ tươi sáng của cách mạng:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Tư thế của nhà thơ là tư thế đứng trên đầu mọi gian khó, hiểm nguy. Bài thơ đã làm sống lại cuộc đời của một nhà hoạt động chính trị bí mật trong thời kỳ cách mạng còn trong trứng nước.

Năm 1961, về thăm lại Pác-Bó, Bác xúc động cảm tác:

“Hai mươi năm trước ở hang này

Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây;

Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu

Non sông gấm vóc có ngày nay”.

Bài thơ bốn câu ngắn gọn đã phác họa con đường lịch sử 20 năm của dân tộc.

Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (từ ngày 10 đến 19-5-1941) do Bác chủ trì, họp ở rừng Khuổi Nậm, đã nhận định thời cơ giải phóng dân tộc đang đến gần, quyết định thành lập Việt Nam Độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) để tập hợp lực lượng toàn dân. Hội nghị đã hoàn chỉnh đường lối cứu nước giải phóng dân tộc của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ngày 6-6-1941, Bác gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước tiến lên, đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật.

Bác cho xuất bản tờ báo Việt Nam Độc lập, số đầu tiên ra ngày 1-8-1941.

Cuối năm 1941, Bác viết “Lịch sử nước ta” bằng văn vần, và nhiều bài thơ để tuyên truyền, cổ động mọi người. Bài “Mười chính sách của Việt Minh” đã làm thức dậy truyền thống yêu nước của các tầng lớp nhân dân. Những vần thơ Bác viết thời kỳ ở Pác-Bó thực sự là tiếng kèn xung trận, là khúc quân hành của Mặt trận Việt Minh trong cuộc trường chinh cứu nước.

Ngày 22-12-1944, Bác ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân Quân đội Nhân dân ngày nay.

Ngày 4-5-1945, Bác về Tân Trào, thủ đô khu Giải phóng. Tại đây, Bác triệu tập Quốc dân Đại hội; ngày 17-8-1945, Đại hội bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng tức Chính phủ Cách mạng đầu tiên ở nước ta, và phát lệnh “Tổng khởi nghĩa toàn quốc”.

Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử (Hà Nội), Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội.

“Chúng ta vui sướng hôm nay

Càng nên nhớ lại những ngày gian lao” (1)

VĂN HỌC

------------------
(1) Thơ Hồ Chí Minh - NXB Giáo dục - H-1977 - trang 234.

Chia sẻ bài viết