25/07/2018 - 07:21

“Thương trên bến đợi” và nỗi niềm người phụ nữ 

Tập truyện ngắn “Thương trên bến đợi” của nữ tác giả Bảo Thương mang đến cho độc giả nỗi niềm của những người phụ nữ số phận không may; niềm tin, hy vọng và vẻ đẹp tâm hồn của họ. Sách do NXB Trẻ xuất bản năm 2018.

Tác giả dành riêng những trang viết cho những người mẹ, người vợ khi có 8 trong số 9 truyện nói hộ nỗi lòng của họ. Hầu hết họ ở làng quê nghèo khó, sống lầm lũi, cô đơn với những nỗi niềm.

Viết về tình thương con vô bờ bến của những người mẹ, Bảo Thương khai thác những điều bình dị, gần gũi nhất nhưng đầy khắc khoải. Người mẹ trong truyện “Hai thế giới” và “Cu Sơn” làm người đọc xót lòng khi suốt bao năm dài mòn mỏi đợi con đang ở xa về thăm; nhịn ăn, nhịn mặc để dành từng đồng tiền cho con; mong chờ con quay về để mẹ con đoàn tụ. Trong khi đó, mạ Thơm trong truyện “Ngọn lửa ấm đời mẹ” luôn day dứt, trông chờ những chiến sĩ đã từng ghé nhà mẹ nghỉ ngơi trong chặng đường hành quân bình an trở về. “Mạ vẫn trồng sắn, đợi các con về đây, nhưng chưa đứa nào chịu về thăm mạ; không về được bằng xương bằng thịt thì về bằng linh hồn nghe con!” (trang 113). Sự khốc liệt của chiến tranh vẫn không làm tắt ngọn lửa hy vọng trong lòng mạ, đêm đêm, mạ vẫn mở cửa đợi các anh về… Đặc biệt, người mẹ góa bụa trong truyện “Mẹ tôi” khiến người đọc ngậm ngùi, sẻ chia khi bà hy sinh hạnh phúc riêng, ở vậy nuôi con đến khi nhắm mắt xuôi tay vì các con phản đối chuyện tình của bà với thầy giáo ở làng. 

Phụ nữ bao giờ cũng là người thiệt thòi trong chuyện tình cảm, khi đối mặt với thực tế phũ phàng, mỗi nhân vật trong tập truyện có cách ứng xử, lựa chọn khác nhau. Dù là cam chịu cuộc sống buồn chán, đơn điệu như Hoa trong “mênh mang cuộc đời”, nổi loạn như Chị Thào trong “Lặng lẽ làng quê” hay long đong như Phương trong “Đàn bà hai bến nước”, họ vẫn không hối tiếc với quyết định của mình. Bởi với mỗi người, được sống, được yêu theo ý mình đã là hạnh phúc.

Nỗi niềm của các chị, các mẹ càng được tô đậm qua bút pháp khắc họa tâm lý nhân vật tinh tế, sắc sảo, cách kể chuyện thủ thỉ, tâm tình. Đặc biệt, cách xây dựng tình huống bất ngờ vào cuối truyện vừa lý giải được những nút thắt được cài cắm ban đầu, vừa tạo được ấn tượng mạnh với độc giả. Tại sao Thằng Thon lại cho rằng người chột mắt và người què chân lại là người đẹp nhất? (“Thằng Thon”). Lý do gì khiến một người giàu có lại sống tiết kiệm và có phần bủn xỉn như thế? (“Điểm tựa đau thương”). Hay sự thật sau những bức thư mà bà Cân nhận được của con trai gửi về là gì? (“Cu Sơn”)…. Cái kết của mỗi truyện vừa giải tỏa được những thắc mắc, vừa gửi gắm những thông điệp ý nghĩa, nhân văn.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết