13/10/2013 - 08:55

Ý tưởng lạ

Trong báo cáo giám sát tài chính quốc tế nhân hội nghị thường niên với Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra tại Washington (Mỹ), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đề xuất chính sách tăng thuế người giàu và tập đoàn đa quốc gia để chống thâm hụt ngân sách, giảm nợ công và thu hẹp bất bình đẳng thu nhập trên quy mô toàn cầu. Hãng tin Pháp AFP cho biết kiến nghị của IMF đã gây bất ngờ, thậm chí gây sốc dư luận bởi tổ chức này ít khi đụng chạm đến các thế lực tư bản hùng mạnh.

Nữ Tổng giám đốc người Pháp Christine Lagarde của định chế tài chính có 188 quốc gia thành viên này giải thích rằng việc xem xét lại cấu trúc thuế quốc tế là một vấn đề cơ bản từng được đưa ra bàn luận và không nên né tránh nó trong bối cảnh cấp thiết phải cân bằng tài chính công quốc gia. Theo ước tính của IMF, tăng thuế người giàu và có thu nhập cao lên mức bằng với những năm 1980 của thế kỷ trước có thể giúp tăng nguồn thu ngân sách tương đương 0,25% GDP của các nước phát triển, thậm chí lên đến 1,5% GDP tại một số nước như Mỹ.

Ý tưởng của IMF đã nhận được sự phản hồi tích cực không chỉ của các tổ chức nhân đạo và phi chính phủ quốc tế mà cả Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) vốn quy tụ 34 nền kinh tế hàng đầu thế giới. OECD là nhóm đi đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống các thiên đường thuế và nạn trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia cũng như của giới tài phiệt, tội phạm. Qua bản báo cáo "vén màn" thực trạng chênh lệch thu nhập ngày càng lớn trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới mới đây, OECD đã gián tiếp thể hiện rõ lập trường muốn tăng thuế nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo đang ở mức nguy hiểm ở nhiều nước.

Bộ trưởng Tài chính Pierre Moscovici của Pháp, nước từng thất bại trong kế hoạch tăng thuế người giàu lên 75% hồi năm ngoái, dĩ nhiên đã hoan nghênh "sáng kiến cốt lõi nhằm giảm bất công bằng" của IMF. "Tôi không biết làm thế nào để phản đối kiến nghị này cả. Đây là một bước tiến tích cực, đánh dấu sự thay đối tư duy lớn của IMF", ông Moscovici hồ hởi tuyên bố.

Tăng thuế người giàu và có thu nhập cao chẳng có gì xa lạ trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới. Tuy nhiên, theo bình luận của AFP, tâm thế mới của tổ chức tài chính uy tín đang do cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp nắm quyền điều hành có thể "khơi ngòi cho một cuộc cách mạng nhỏ". Kiến nghị này của IMF hiện nay vẫn có ý nghĩa, khi mà cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu chưa kết thúc và chính trường Mỹ gặp khó khăn trong vấn đề nợ công và chi tiêu ngân sách.

ĐỨC TRUNG (Theo AFP)

 

Chia sẻ bài viết