Hôm nay 27-9, 62 triệu cử tri đăng ký ở Đức sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu Quốc hội mới, mà theo đó có thể biết được liệu bà Angela Merkel có tiếp tục làm thủ tướng của nước này nữa hay không. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng vấn đề thu hút sự quan tâm nhất của dư luận Đức và thế giới không phải là đảng nào sẽ thắng cử hay ai sẽ trở thành thủ tướng mới của Đức, mà là một liên minh cầm quyền nào sẽ được hình thành sau cuộc tổng tuyển cử lần này. Bởi có tới 29 chính đảng tham gia cuộc đua vào Quốc hội 598 ghế ở Đức và theo các kết quả thăm dò mới nhất thì nhiều khả năng không có đảng nào giành được đa số tuyệt đối để tự đứng ra thành lập chính phủ.
Cả Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel và đối tác trong chính phủ liên hiệp nhưng nay là đối thủ chính - đảng Dân chủ Xã hội (SDP) của Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier, đều đang tìm kiếm liên minh mới. Tuần qua, các cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ ủng hộ CDU và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) giảm 2% còn 35%, nhưng vẫn bỏ xa SDP với 26%. Trong khi đó, đảng Dân chủ Tự do (FDP), đối tác mà bà Merkel muốn liên kết trong nhiệm kỳ mới, được 13%. Như vậy, tổng hợp tỷ lệ ủng hộ, liên minh trung hữu CDU/CSU - FDP của bà Merkel sẽ là 48%, so với 47% của liên minh thiên tả của ông Steinmeier (có thể là SDP - đảng Cánh tả - đảng Xanh).
|
Thủ tướng Merkel (trái) và Ngoại trưởng Steinmeier, ai sẽ trở thành thủ tướng Đức nhiệm kỳ mới? Ảnh: AFP |
Thủ tướng Merkel lên nắm quyền năm 2005 với chủ trương hiện đại hóa nền kinh tế lớn nhất châu Âu, giảm thuế, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi đó CDU chỉ thắng sít sao 1% (dù đã liên danh với một số đảng nhỏ), buộc phải liên kết với SDP để trở thành “Đại liên minh”. CDU theo đường lối bảo thủ trong khi SDP chủ trương thiên tả, nên các kế hoạch trên sớm bị gác lại để ưu tiên cho chi tiêu xã hội và tăng cường sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động kinh doanh. Sự thay đổi này nhận được ủng hộ của phần đông dân Đức vào thời điểm kinh tế bất ổn, nhưng nhiều người hoài nghi rằng chính phủ Đức không thể trì hoãn vô hạn định các kế hoạch cải tổ nền kinh tế.
Sau 4 năm liên minh, bà Merkel và ông Steinmeier bất đồng về phương thức nhằm tạo ra sự tăng trưởng tốt nhất cho kinh tế Đức. Trong chiến dịch tranh cử, bà Merkel và ông Steinmeier đều cam kết chi 85 tỉ euro cho các chương trình kích thích kinh tế. Tuy nhiên, bà Merkel muốn cắt giảm thuế toàn diện khoảng 15 tỉ euro, trong khi ông Steinmeier nghiên về chính sách quy định lương tối thiểu và tăng thuế. Về năng lượng, bà Merkel muốn kéo dài hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân thêm khoảng 15 năm, trong khi ông Steinmeier ủng hộ luật đóng cửa chúng vào năm 2021. Năm ngoái, các nhà máy này cung cấp khoảng 23% sản lượng điện ở Đức.
Các nhà phân tích cho rằng dù liên minh nào lên cầm quyền sau cuộc bầu cử thì cũng đối mặt với nhiều thách thức về đối nội lẫn đối ngoại. Chi tiêu công nhiều khả năng sẽ thâm hụt 4,7% GDP trong năm nay và dự đoán có thể lên tới 10% năm 2010. Công nợ của Đức sẽ tăng từ 66% GDP lên mức 84%. Trong khi đó, sứ mệnh của quân đội Đức tại Afghanistan, việc thực hiện các cam kết quốc tế chống biến đổi khí hậu và các quy định về thị trường tài chính toàn cầu sẽ là những vấn đề nhạy cảm và nan giải đối với chính phủ mới trong quan hệ đối ngoại. Cho tới nay, Thủ tướng Merkel vẫn chịu sự chỉ trích gay gắt do không thuyết phục được dân chúng Đức về việc vì sao quân đội nước này lại có mặt tại Afghanistan. Theo tuần báo Der Spiegel của Đức, cử tri muốn chính quyền đưa ra một lộ trình cụ thể cho việc rút quân đội khỏi quốc gia Nam Á.
N.MINH (Theo WSJ, NYT, Bloomberg)