27/11/2007 - 16:44

Xung quanh chuyến thăm Trung Quốc của ông Sarkozy 

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (trái) tiếp Tổng thống Nicolas Sarkozy. Ảnh: AFP 

Hẳn không phải ngẫu nhiên mà ông Nicolas Sarkozy chọn Trung Quốc làm nơi thực hiện chuyến công du đầu tiên tới châu Á trong vai trò nguyên thủ của nước Pháp. Bên cạnh thúc đẩy quan hệ song phương, ông Sarkozy còn muốn tái xác lập vị thế của nước Pháp trên trường quốc tế mà Trung Quốc là một địa điểm không thể bỏ qua.

Với các thỏa thuận thương mại trị giá 30 tỉ USD được ký kết giữa các công ty Pháp với các đối tác Trung Quốc, chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày và kết thúc vào hôm nay 27-11 của Tổng thống Sarkozy thực sự tạo ra bước tiến mới trong quan hệ giữa hai nước sau 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nhân chuyến thăm của ông Sarkozy, công ty Areva của Pháp ký hợp đồng xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân cho Trung Quốc trị giá 11,9 tỉ USD. Đây là hợp đồng có ý nghĩa quan trọng, bởi hồi tháng 7 vừa qua, Areva từng thất bại trước tập đoàn Westinghouse Electric của Mỹ trong gói thầu xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân trị giá 8 tỉ USD. Trung Quốc dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ xây thêm 32 nhà máy điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng. Hiện Pháp, Mỹ và Nga đang tranh nhau giành lấy những hợp đồng này. Bên cạnh đó, hãng sản xuất máy bay Airbus cũng ký được hợp đồng bán 160 máy bay cho các đối tác Trung Quốc.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Sarkozy cũng yêu cầu Bắc Kinh điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ, được cho là bị định giá thấp để tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu Trung Quốc. Theo thống kê của Pháp, giá trị buôn bán giữa hai nước năm ngoái đạt 24 tỉ USD với cán cân nghiêng hẳn về Trung Quốc. Trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch mậu dịch song phương lên tới 17 tỉ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và Trung Quốc tiếp tục xuất siêu sang Pháp.

Bên cạnh các vấn đề song phương, ông Sarkozy dĩ nhiên không quên thể hiện vai trò “nước lớn” của mình khi thảo luận với lãnh đạo Trung Quốc những vấn đề mang tính toàn cầu. Ông đề nghị Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran và các tranh chấp quốc tế khác. Xung quanh vấn đề hạt nhân Iran, Trung Quốc cùng với Nga giữ lập trường phản đối việc gia tăng trừng phạt Tehran trong khi Pháp đang tỏ ra sốt sắng cùng với Mỹ thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mạnh tay hơn với nước này. Thậm chí báo chí phương Tây còn cho rằng ông Sarkozy đang thay thế cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trong vai trò đồng minh thân cận nhất của Washington.

Tổng thống Sarkozy cũng nhắc nhở Trung Quốc có biện pháp tích cực nhằm cải thiện môi trường, đừng chấp nhận tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Trung Quốc hiện là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

N.MINH (Theo CCTV, AFP, THX)

Chia sẻ bài viết