NHẬT QUANG (Tổng hợp)
Thế giới năm 2013 vẫn phải đối mặt với một nền an ninh đầy bất ổn, các cuộc xung đột cũ kéo dài, các điểm nóng mới tiếp tục xuất hiện, bộc lộ rõ cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng, lợi ích giữa các nước lớn, làm thay đổi cơ bản trật tự thế giới, mở ra một thời kỳ mới với nhiều cơ hội hợp tác nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ đối kháng gay gắt hơn.
Cuộc chơi giữa các "ông lớn"
Có thể nói, Syrie là điểm nóng nhất về an ninh trong năm 2013. Cuộc nội chiến kéo dài từ tháng 3-2011 ở quốc gia Trung Đông này đã làm khoảng 100.000 người chết, hàng triệu người mất nhà cửa và hơn hai triệu người phải chạy ra nước ngoài lánh nạn. Cuộc giằng co giữa một bên là chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad được quân đội Syrie và một số nước lớn như Nga và Trung Quốc ủng hộ với một bên là lực lượng nổi dậy có "sự hà hơi, tiếp sức" của các nước phương Tây như Mỹ, Anh và Pháp khiến cho nhiều nỗ lực hòa giải thất bại. Thế giới đã lo lắng Mỹ và đồng minh sẽ đánh Syrie khi phương Tây tố cáo chính quyền của ông al-Assad sử dụng vũ khí hóa học làm thiệt mạng hơn 1.000 người ở ngoại ô Thủ đô Damas hồi tháng 8-2013. Nhưng bất ngờ đã xảy ra, khi Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận do Nga đề xuất, theo đó Syrie chấp nhận để cho Liên Hiệp Quốc kiểm soát toàn bộ các kho vũ khí hóa học của mình và tham gia ký hiệp ước quốc tế về cấm sử dụng vũ khí hóa học. Đây được coi là bước đột phá có ý nghĩa quan trọng, dù nó chưa nhằm xử lý toàn bộ tình hình chính trị ở Syrie. Thỏa thuận được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua, vừa mang tính pháp lý ràng buộc Syrie vừa loại bỏ khả năng phương Tây tự động trừng phạt Syrie. Điều quan trọng là nó mở ra khả năng giải quyết hòa bình vấn đề Syrie và xa hơn, đó có thể coi là tiền đề cho việc giải quyết các vấn đề "nóng" khác như vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran, Israel và CHDCND Triều Tiên

Từ trái qua là Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - 3 nhân vật quyền lực nhất thế giới, theo bình chọn của Tạp chí Forbes năm 2013. Ảnh: nihao-salam.com
Cho nên, chẳng phải vô cớ mà giới quan sát nhận định rằng vấn đề Syrie là "cuộc chơi" của các "ông lớn", đặc biệt là giữa Nga và Mỹ. Sự phân bè, chia phái giữa các nước sau nghị quyết nói trên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không khác trước, sự xung khắc lợi ích của các đối tác bên ngoài và tính đối kháng giữa các đối tác bên trong chưa thay đổi. Nhưng rõ ràng là cục diện đã chuyển biến. Nghị quyết này đề cao vai trò của Liên Hiệp Quốc và làm nổi bật vị thế của Nga so với Mỹ, đồng thời tạo điều kiện cho chính phủ của ông al-Assad xử lý linh hoạt cả khía cạnh bên trong lẫn bên ngoài của vấn đề Syrie. Nhiều người nhận xét đó là "thắng lợi" của Nga trước Mỹ trên trường quốc tế. Nhưng cũng có người cho rằng "cái được" của Mỹ và đồng minh phương Tây với nghị quyết này là có được cơ chế, quy trình và lộ trình giải quyết vấn đề vũ khí hóa học ở Syrie, nhờ đó họ không buộc phải tấn công quân sự Syrie như đã dọa mà không bị mất thể diện, thoát ra khỏi tình thế khó xử cả về chính trị lẫn quân sự, an ninh, nhưng trên danh nghĩa vẫn bám giữ sự răn đe Chính phủ Syrie, duy trì ảnh hưởng và cả thế trận chiến lược đã "dàn" ở khu vực Vùng Vịnh-Trung Đông.
Cách xử lý vấn đề Syrie trong quan hệ giữa Nga và Mỹ có thể coi là theo sách lược "cùng thắng". Sách lược này từng được đề cập trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi trung tuần tháng 6 năm rồi. Chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình diễn ra ngay sau khi lên nắm quyền và kéo dài tới hai ngày được cho là "chưa có tiền lệ" trong giới lãnh đạo Trung Quốc, mở ra một thời kỳ mới cho mối quan hệ giữa hai nước. Theo giới phân tích, vị thế nước lớn, sự ràng buộc lẫn nhau về kinh tế, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế
là những nhân tố khiến đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể đẩy hai quốc gia vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, bất chấp những xung đột giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng mở rộng từ vị thế địa-chính trị lan sang quân sự. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa Washington và Bắc Kinh sẵn sàng gạt sang một bên những tham vọng ngày càng lớn của cái gọi là "Giấc mộng Trung Hoa", hay "Siêu cường duy nhất" trên thế giới cũng như các vấn đề khúc mắc giữa hai nước, từ an ninh mạng, mất cân bằng thương mại, tỷ giá đồng nhân dân tệ, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông và biển Hoa Đông, vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên... Cả Washington lẫn Bắc Kinh vẫn luôn có những toan tính khiến đối phương không thể không cảm thấy bất an. Và đây cũng có thể xem là "đặc trưng" của cặp quan hệ Nga-Mỹ.
Thi nhau "xoay trục"
Nhà Trắng sao không khỏi cảm thấy bất an cho được bởi trước khi đến Mỹ, ông Tập Cận Bình đã tới Trinidad & Tobago, Costa Rica và Mexico - những quốc gia được xem là "sân sau" của Mỹ tại châu Mỹ La-tinh. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, đến năm 2015, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Mỹ La-tinh. Trong lúc Washington hướng mục tiêu quân sự, ngoại giao về châu Á-Thái Bình Dương, tập trung đầu tư kinh tế vào châu Phi để đánh bại ảnh hưởng của Bắc Kinh ở các khu vực này, Trung Quốc tăng cường bắt tay với các nước Mỹ La-tinh, tranh giành ảnh hưởng ngay tại "sân sau" giàu tài nguyên của Mỹ. Đáp lại, ngay sau khi ông Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Mỹ, lực lượng hải quân và lính thủy đánh bộ Mỹ tái khởi động cuộc tập trận với đồng minh Nhật Bản, kế hoạch mà lần đầu tiên trong lịch sử nền ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh từng phải yêu cầu đối phương hủy bỏ. Cuộc tập trận hai tuần tại căn cứ thủy quân lục chiến Pendleton ở San Diego và đảo San Clemente, theo kịch bản là các lực lượng sẽ đổ bộ lên một hòn đảo và nã đạn tấn công các đơn vị trên đảo, gợi nhắc xung đột chủ quyền quần đảo (mà Nhật Bản gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông.
Báo Mỹ New York Times từng nhận xét: "Tranh chấp ở biển Hoa Đông đã trở thành cái cớ cho vấn đề rộng lớn hơn rằng, ai sẽ là người áp đặt ảnh hưởng tại khu vực địa chính trị quan trọng này". Có thể nói, tình hình Hoa Đông và cả biển Đông năm qua luôn là đề tài nóng của báo giới quốc tế. Những cuộc đáp trả theo kiểu "ăn miếng trả miếng" bằng lời nói lẫn hành động giữa các bên liên quan trong vấn đề tranh chấp chủ quyền khiến biển Đông và Hoa Đông luôn trong tình trạng căng thẳng. Việc Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản thi nhau lập "Vùng nhận diện phòng không" cho thấy diễn biến ngày càng phức tạp, dù lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc cam kết không để xảy ra xung đột nguy hiểm trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa họ tại các khu vực này.
Cuộc tranh giành ảnh hưởng ấy thêm quyết liệt khi Nga cũng đang đẩy mạnh chiến lược "xoay trục" sang châu Á bằng môt loạt chính sách "hướng Đông" nhằm tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia trong khu vực. Theo các nhà phân tích, tuy chính sách "xoay trục" của Nga có phần muộn màn, nhưng Nga đang có những lợi thế nhất định. Với tư cách là cường quốc năng lượng hàng đầu trên thế giới, Nga đang mở rộng thị trường của mình từ khu vực các nước SNG cũ và các nước châu Âu sang Đông Á. Một trong những trọng tâm chính sách của Nga trong những năm tới là thúc đẩy liên kết kinh tế Á-Âu, qua đó vực dậy khu vực kinh tế phía Đông. Với lợi thế địa lý gắn liền với hai trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới, việc Nga sử dụng lãnh thổ của mình để xây dựng các tuyến đường sắt nối liền hai châu lục giúp Nga đóng vai trò cầu nối hữu hiệu. Trong chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Putin hồi trung tuần tháng 11 năm rồi, Nga và Hàn Quốc đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác Nga-Hàn về xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á-Âu dài 54 km từ thị trấn Khasan ở miền Đông Nam Nga tới cảng Rajin. Ngoài ra, Nga cũng đã hợp tác với Trung Quốc khánh thành tuyến đường sắt đi từ Hà Nam qua lãnh thổ Nga tới Hamburg (Đức) hồi tháng 7-2013.
* * *
Một nhà phân tích đã nhận định, thế giới ngày nay người ta không "xếp hàng" cứng nhắc theo "cực" này hay "cực" khác mà tập hợp lực lượng cơ động, linh hoạt tùy theo vấn đề, thời điểm khu vực trên cơ sở lợi ích quốc gia dân tộc của mình, "vừa hợp tác vừa cạnh tranh". Tuy các "điểm nóng" trong năm qua vẫn còn nhiều, sự thiệt hại về người và của cải vật chất là không nhỏ, nhưng xem ra cũng đã xuất hiện những giải pháp có tính đột phá cho quá trình giải quyết những điểm nóng an ninh tiềm tàng trên thế giới. Qua đó, các nhà dự báo và dư luận quốc tế đang kỳ vọng vào năm mới 2014, thế giới sẽ có những bước đột phá quan trọng, tiếp tục dịch chuyển cục diện thế giới theo hướng tích cực hơn trong giải quyết các điểm nóng và bảo đảm an ninh toàn cầu.