06/03/2020 - 19:56

Dịch COVID-19:

WHO cảnh báo nhiều quốc gia chưa nỗ lực chống dịch 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo có quá nhiều quốc gia chưa triển khai tất cả những biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh gây chết người COVID-19.

Phát biểu ngày 5-3 với báo giới ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại trước việc nhiều nước chưa cho thấy “mức độ cam kết chính trị” cần thiết nhằm “ứng phó với mối đe dọa mà tất cả chúng ta đang đối mặt”. Ông Ghebreyesus nhấn mạnh “dịch bệnh này là mối đe dọa đối với mọi quốc gia, cả nước giàu và nước nghèo”, đồng thời cảnh báo “thậm chí các nước thu nhập cao cần cảnh giác trước các tình huống bất ngờ”. Ông khẳng định: “Đây không phải là một cuộc diễn tập”.

Lều dã chiến cách ly người nghi nhiễm SARS-CoV-2 ở Ý. Ảnh: AFP

Người đứng đầu WHO cũng đặc biệt lưu ý rằng một số quốc gia dường như chưa thực sự chú trọng đến mối đe dọa của dịch bệnh, với nhiều nước giao phó công tác xử lý khủng hoảng cho bộ y tế. Theo Tổng Giám đốc Ghebreyesus, đây là cách tiếp cận “sai lầm” vì cuộc khủng hoảng đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế -xã hội, mọi tầng lớp dân cư,  đồng thời kêu gọi một cách tiếp cận toàn diện với sự tham gia tích cực của toàn bộ máy hành pháp.

Kêu gọi học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc, Singapore  và Việt Nam

WHO sẽ phát động một chiến dịch truyền thông xã hội mới kêu gọi đảm bảo mọi người dân đều được an toàn, được hưởng các biện pháp phòng ngừa linh hoạt và được thông tin đầy đủ khi đối mặt với sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Quan chức Chương trình Các sự kiện khẩn cấp về y tế của WHO, bà Maria van Kerkhove kêu gọi các nước áp dụng tất cả các biện pháp phòng-chống dịch bệnh cơ bản nhưng có hiệu quả mà các nước Trung Quốc, Singapore và Việt Nam đã triển khai. Các biện pháp đó bao gồm xác định các trường hợp nhiễm bệnh và liên hệ với họ để tiến hành các biện pháp cách ly, cũng như tuyên truyền và huy động người dân tham gia phòng-chống dịch bệnh.

Trung Quốc chế tạo robot hỗ trợ các bác sĩ khám chữa bệnh 

Gần 100.000 người nhiễm SARS-CoV-2

Tính đến chiều 6-3 trên thế giới ghi nhận 98.752 ca nhiễm SARS-CoV-2 với 3.389 người tử vong. Trung Quốc đại lục có 80.556 ca nhiễm và 3.042 trường hợp tử vong, kế đến là Hàn Quốc (6.593 và 42), Ý (3.858 và 148), Iran (3.513 và 108).

Ngày 5-3, các nhà nghiên cứu Trung Quốc thông báo đã thiết kế một loại robot có thể hỗ trợ các bác sĩ khám chữa bệnh cho bệnh nhân trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại nước này. Cỗ máy này bao gồm một cánh tay robot di chuyển bằng bánh xe có thể siêu âm, lấy dịch họng và lắng nghe âm thanh phát ra từ các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân, vốn thường được thực hiện qua ống nghe. Các nhiệm vụ này thường do bác sĩ tự làm, song với sự hỗ trợ của robot gắn camera, các nhân viên y tế không cần ở cùng phòng với bệnh nhân, hay thậm chí là điều khiển chúng từ một thành phố khác.

Giáo sư Zheng Gangtie, Trưởng nhóm thiết kế robot tại Đại học Thanh Hoa, nhấn mạnh dù các bác sĩ đều rất dũng cảm, song SARS-CoV-2 rất dễ lây nên robot có thể thay họ thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm nhất. Với mong muốn hỗ trợ cho y bác sĩ, Giáo sư Zheng đã tập hợp một nhóm nghiên cứu để tạo ra 2 robot sử dụng công nghệ giống như công nghệ trên các trạm vũ trụ và cho các nhà thám hiểm Mặt Trăng.

Những robot này gần như tự động hoàn toàn. Chúng có thể tự khử trùng sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Mỗi robot này tốn 72.000 USD để chế tạo.

Mỹ phát triển ứng dụng AI để đánh giá nguy cơ nhiễm COVID-19

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã tạo ra một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép nhanh chóng đánh giá nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 chỉ trong một phút ngay tại nhà mình.

Theo một nghiên cứu vừa được công bố trong tuần này trên tạp chí Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm và dịch tễ học bệnh viện, ứng dụng trên sẽ yêu cầu người dùng cung cấp thông tin về nơi sống, các tiếp xúc gần đây với một cá nhân nào đó được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 hoặc người từng đến các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh tương đối cao trong vòng 14 ngày qua. Ứng dụng cũng hỏi về các triệu chứng phổ biến và thời gian xuất hiện các triệu chứng này, như sốt, ho, có đờm, thở gấp, mệt mỏi, đau đầu, tiêu chảy và viêm phổi. Sau đó, AI sẽ sử dụng thuật toán để đánh giá nhanh chóng thông tin của người dùng, cung cấp cho họ đánh giá nguy cơ và cảnh báo cơ sở gần nhất có khả năng xét nghiệm rằng có một ca cần kiểm tra sức khỏe.

Ứng dụng này cũng sẽ cung cấp cho các quan chức y tế địa phương và công cộng thông tin cập nhật trong thời gian thực về số người có nguy cơ cao để có thể phòng tránh tốt hơn và đưa ra các sáng kiến điều trị.

ĐẶNG ÁNH

Chia sẻ bài viết