 |
Chiến đấu cơ F35 được cho sẽ mang bom hạt nhân dẫn đường B61. Ảnh: EPA |
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa bị một số nhà chỉ trích cho là “thất hứa” đối với những cam kết giải trừ vũ khí, sau khi có tin cho rằng chính quyền Washington đang lên kế hoạch chi hàng tỉ USD nâng cấp bom hạt nhân B61, vốn được cất giữ tại châu Âu, thành số vũ khí lợi hại và hiệu quả hơn.
Trong bản Đánh giá Tình hình Hạt nhân của Mỹ hồi năm 2010, chính quyền Tổng thống Obama cam kết sẽ giảm vai trò và số lượng vũ khí hạt nhân của Mỹ, một phần trong đó là không phát triển các đầu đạn hạt nhân mới cũng như sẽ “không ủng hộ các nhiệm vụ quân sự mới hay cung cấp năng lực quân sự mới”.
Tuy nhiên theo số liệu ngân sách được xuất bản mới đây, chính quyền Washington lại lên kế hoạch sẽ đổ khoảng 10 tỉ USD vào chương trình kéo dài tuổi thọ cho các quả bom B61 và 1 tỉ USD dành để bổ sung các đuôi cá giữ thăng bằng cho loại vũ khí hạt nhân này. Cụ thể, gần 200 quả bom trọng lực B61 đang được cất giữ tại Bỉ, Hà Lan, Đức, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được trang bị các đuôi cá mới giúp giữ thăng bằng và có thể biến các quả bom này thành vũ khí dẫn đường được lắp đặt trên các máy bay ném bom F35. Các quả bom B61 vốn được Mỹ triển khai tại một số nước châu Âu nhằm phục vụ cho thời kỳ Chiến tranh lạnh.
“Đây sẽ là quá trình nâng cấp đáng kể cho sức mạnh hạt nhân của Mỹ ở châu Âu. Kế hoạch trên đối đầu trực tiếp với những cam kết vốn đã được ông Obama đưa ra hồi năm 2010 về việc không triển khai vũ khí mới”- Hans Kristensen, chuyên gia vũ khí hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà khoa học hạt nhân Mỹ, lên tiếng.
Ông Kristensen cho rằng “phụ kiện” đuôi cá kiểm soát sẽ mang đến cho bom hạt nhân B61 một sứ mệnh và khả năng mới khi một số vũ khí được nâng cấp sẽ được triển khai tại châu Âu theo dự kiến vào năm 2019 hoặc 2020.
Phản ứng trước cáo buộc của các nhà chỉ trích, giới chức Mỹ khẳng định việc bổ sung đuôi cá cho bom B61 sẽ không đại diện cho một sự thay đổi đáng kể nhiệm vụ của loại bom này và do đó Washington cũng không “nuốt” lời đối với những cam kết hồi năm 2010. Các quan chức Mỹ cũng cho biết Tổng thống Obama vẫn giữ lời hứa đối với các chương trình giải trừ quân bị mà ông ta vạch ra trong bài phát biểu mang tính bước ngoặt tại Thủ đô Praha (Cộng hòa Séc) hồi năm 2009, khi đó ông chủ Nhà Trắng cam kết hướng đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Ngoài những chỉ trích về việc thất hứa của ông Obama, cũng có những suy luận xung quanh nguyên nhân của kế hoạch “lên đời” B61. Joseph Cirincione, Chủ tịch Quỹ Ploughshares, tổ chức gây sức ép về việc kiểm soát vũ khí, cho rằng kế hoạch hiện đại hóa bom B61 chủ yếu được vạch ra bởi những suy xét chính trị mang tính đối nội, nhưng lại đe dọa phát đi thông điệp lẫn lộn cho Nga vào thời điểm Washington và Mát-xcơ-va đang hướng đến một thỏa thuận về giảm kho vũ khí hạt nhân ở mỗi nước.
“Hàng tỉ USD mà chúng ta sẽ rót vào B61 là một hành động tội lỗi. Số tiền dành cho những loại vũ khí mà nhiệm vụ của chúng đã chấm dứt từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Rõ ràng việc làm trên chỉ nhằm để giành lá phiếu ủng hộ từ các thượng nghị sĩ cho các biện pháp kiểm soát súng sau này”- Cirincione nói thêm.
THANH BÌNH (Theo Guardian)