Hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới sẽ có mặt tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, khai mạc vào hôm nay 7-12 tại Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Có thể nói mừng vui lẫn lo âu là tâm trạng đan xen về cuộc họp kéo dài 12 ngày được chờ đợi từ lâu này. Nếu thành công, hội nghị sẽ đặt nền móng cho một văn kiện thay thế Nghị định thư Kyoto về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.
Mừng vì tới giờ chót, Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định sẽ hiện diện tại hội nghị vào ngày cuối- thời điểm có tính quyết định. Trước đây, ông Obama dự định chỉ “ghé qua” Copenhagen ngày 9-12 trên đường sang Na Uy nhận giải Nobel Hòa bình gây nhiều tranh cãi của mình.
Và trước thềm hội nghị, Mỹ cho biết sẽ đề xuất cắt giảm 17% lượng khí CO2 vào năm 2020 so với mức của năm 2005; Trung Quốc trong giai đoạn này giảm 40-45% lượng khí CO2 trên mỗi đơn vị GDP, và Ấn Độ giảm 20-25%. Điều này hết sức có ý nghĩa không chỉ vì đây là những nước thuộc hàng “quán quân” về phát thải khí CO2 mà còn vì họ từng nhất quyết không tham gia Nghị định thư Kyoto.
Bên cạnh đó, ông Obama và các nhà lãnh đạo châu Âu sau thời gian thương lượng đã đi đến thỏa thuận là các nước giàu mỗi năm sẽ chi khoảng 10 tỉ USD giúp các nước nghèo đối phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Robert Gibbs không tiết lộ Washington bỏ ra bao nhiêu nhưng cho biết sẽ “đóng góp công bằng”.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 4-12 cũng thông báo sẽ chi 700 triệu USD để giúp các nước thành viên đang phát triển ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và phát triển công nghệ năng lượng tái sinh. ADB đặt mục tiêu đến năm 2013 sẽ nâng mức hỗ trợ hàng năm lên 2 tỉ USD.
Nhưng người ta vẫn còn lo vì thực ra lượng C02 mà các nước giàu dự kiến cắt giảm là chưa tương xứng. Theo các nhà khoa học, để ngăn không cho nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2 độ C, các nước công nghiệp vào cuối thập niên tới phải cắt giảm 25-40% lượng khí C02 so với năm 1990, điểm mốc được qui định trong Nghị định thư Kyoto. Qui ra, cam kết của Mỹ chỉ là giảm 4-5% lượng khí C02 so với năm 1990. Mặt khác, Thượng viện nước này cũng chưa sẵn sàng phê chuẩn kế hoạch trên.
Trong khi đó, Canada, nước có lượng khí thải bình quân đầu người đứng thứ ba thế giới (sau Úc và Mỹ) cũng tuyên bố sẽ “noi gương” Mỹ và đưa ra đề xuất “không hơn, không kém” nước láng giềng tại hội nghị Copenhagen.
Còn ở xứ chuột túi, dù chính phủ của Thủ tướng Kevin Rudd thể hiện quyết tâm can dự vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu (người tiền nhiệm John Howard không ký Nghị định thư Kyoto), nhưng Thượng viện Úc đã hai lần bác bỏ dự luật đưa lượng khí C02 phát thải vào năm 2020 xuống thấp hơn 25% so với năm 2000.
Ngoài ra, bốn nước đang phát triển hàng đầu gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi cũng vừa chuyển tới Đan Mạch đề xuất chung về vấn đề chống biến đổi khí hậu, mà theo nhà đàm phán Nam Phi Alf Wills thì tại hội nghị sẽ có hai quan điểm trái ngược nhau giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Chính vì vậy mà người ta tuy lạc quan về hội nghị Copenhagen nhưng vẫn tỏ ra thận trọng. Có lẽ đó cũng là lý do mà các nhà lãnh đạo thế giới đã từ bỏ mục tiêu đầy tham vọng ban đầu là ký kết một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý; thay vào đó chỉ là những cam kết về làm giảm lượng khí CO2 và tài trợ cho các nước nghèo.
LÊ DÂN