01/01/2020 - 12:20

Việt Nam thể hiện vai trò quan trọng trên diễn đàn thế giới và khu vực 

Dư luận khu vực và quốc tế đánh giá cao vai trò của Việt Nam khi đảm nhận "nhiệm vụ kép" tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) năm 2020 với nhiều kỳ vọng.

Trang The Interpreter của Viện nghiên cứu Lowy, Úc, bình luận: Hành động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giương cao chiếc búa Chủ tịch ASEAN vào tháng 11-2019 không chỉ xác lập vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, mà còn là sự khởi đầu của một giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với chính sách ngoại giao của Việt Nam. Ngoài việc là người "chèo lái" mục tiêu Tầm nhìn ASEAN 2020, Việt Nam cũng sẽ phải cân bằng vị trí ủy viên không thường trực HĐBA. Theo bài viết, mặc dù trách nhiệm ngoại giao thường đi kèm với áp lực lớn, song đây cũng là thời cơ lớn đối với Việt Nam.

Bài viết trên trang web của Trung tâm nghiên cứu Wilson Center của Mỹ nêu rõ trong những năm qua, Việt Nam đặc biệt chú trọng tới chính sách đối ngoại khi mở rộng hoạt động trong một loạt vấn đề, trong đó có tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Việc cùng lúc nắm giữ hai vị trí Chủ tịch ASEAN và ủy viên không thường trực HĐBA cho thấy năm 2020 sẽ là một năm quan trọng để Việt Nam thể hiện vai trò như một quốc gia có thể tham gia ngày càng nhiều vào các vấn đề khu vực và quốc tế.

Trong bài viết với tựa đề "Việt Nam dồn toàn lực tiến tới tương lai", tờ Bangkok Post của Thái Lan khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng chứng tỏ năng lực của mình sau hơn 30 năm Đổi mới. Trong khi đó, tờ Kompas của Indonesia dẫn ý kiến các chuyên gia nhận định việc Việt Nam lựa chọn chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng" cho thấy Việt Nam sẽ tập trung củng cố ASEAN để có thể chủ động ứng phó với những thách thức trong tình hình mới.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) Choi Sing Kwok, việc đảm nhận vị trí ủy viên không thường trực HĐBA đem lại cho Việt Nam cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo trên toàn cầu và đương nhiên sẽ đem lại lợi ích cho ASEAN.

Trong khi đó, Tiến sĩ Robin Ramcharan,  Giám đốc điều hành Trung tâm châu Á bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ thành công trong vai trò Chủ tịch ASEAN và ủy viên không thường trực HĐBA vì Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng mạnh và có nhiều nguồn lực.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Úc, Giáo sư danh dự Đại học New South Wales, ông Carl Thayer (ảnh) cũng đánh giá Việt Nam có lợi thế và điểm mạnh để sẵn sàng đảm nhận hai vị trí quan trọng tại ASEAN và HĐBA.

Theo Giáo sư Thayer, về vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ nhận được sự tôn trọng trong khối không chỉ vì Việt Nam đã có kinh nghiệm làm Chủ tịch ASEAN trong quá khứ, mà còn vì có một đội ngũ cán bộ ngoại giao có tính chuyên nghiệp cao. Điều quan trọng hơn là Việt Nam so với các nước ASEAN khác có các thế mạnh riêng để đảm bảo sự thành công của năm chủ tịch ASEAN. Đó là Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và sự ổn định trong nước -  hai yếu tố nền tảng để Việt Nam có thể phát huy vai trò tích cực, chủ động của mình trong ASEAN.

Trong khi đó, tại HĐBA, Việt Nam có lợi thế là có quan hệ quốc tế rộng rãi. Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia lớn trên thế giới và quan hệ đối tác toàn diện với khoảng hơn 10 nước. Dựa trên các mối quan hệ quan trọng và tích cực này, Việt Nam có thể thúc đẩy các vấn đề mà Việt Nam ủng hộ tại LHQ. Một lợi thế khác là Việt Nam đã đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, như triển khai quan sát viên, lập bệnh viện dã chiến cấp 2, và đang chuẩn bị triển khai đội công binh tham gia gìn giữ hòa bình.

 

Chia sẻ bài viết