10/10/2013 - 21:31

Việt- Mỹ ký hiệp định hạt nhân dân sự

Sáng qua 10-10, bên lề Hội nghị Cấp cao lần thứ 23 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Brunei, Bộ trưởng Ngoại giao nước ta Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã ký tắt Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

* Bước tiến mới trong quan hệ Việt –Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) lắng nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Reuters 

Ngay sau khi hiệp định trên được ký kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đang phát triển tích cực và đánh giá cao việc lãnh đạo ngoại giao hai nước vừa ký tắt Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Đây là bước tiến tích cực mới và là bước đi quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý cho việc Việt Nam tiếp cận công nghệ cao của Mỹ về năng lượng hạt nhân và thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự trong tương lai.

Về phần mình, Ngoại trưởng Kerry cho rằng nếu hiệp định hạt nhân được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam. Ông khẳng định Chính phủ Mỹ coi trọng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư…

Hãng tin Anh Reuters nhận định thỏa thuận hạt nhân trên sẽ mở đường cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng đang bắt đầu phát triển tại Việt Nam, đồng thời là dấu hiệu mới cho thấy Mỹ muốn thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế và chiến lược mạnh hơn tại châu Á. "Thỏa thuận này sẽ tạo ra nhiều cơ hội thương mại của chúng tôi"-Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh. Ông Kerry cho biết Việt Nam được coi là thị trường năng lượng hạt nhân lớn thứ hai tại Đông Á (sau Trung Quốc), nơi mà lĩnh vực này được kỳ vọng đạt giá trị 50 tỉ USD vào năm 2030.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị ASEAN

Tiếp tục chương trình Hội nghị cấp cao ASEAN, trưa 10-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 16. Các lãnh đạo đã quyết định đẩy mạnh hợp tác về an ninh, chính trị và ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; trong đó có hợp tác về bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh và an toàn lương thực, môi trường, ứng phó với thảm họa thiên nhiên, phát triển bền vững, y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, thông tin và truyền thông, giao lưu nhân dân… Các nhà lãnh đạocũng đã thông qua Kế hoạch công tác ASEAN+3 sửa đổi đến năm 2017; quyết định sớm triển khai Đối tác ASEAN+3 về kết nối, bao gồm cả việc xem xét lập Quỹ tài chính ASEAN+3 về kết nối hạ tầng khu vực; tiếp tục mở rộng Sáng kiến Chiềng Mai.

Chiều 10-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 8. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đã nêu bật trọng tâm "Tạo dựng và thúc đẩy một cấu trúc khu vực vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng" ở Đông Á. Về Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và xây dựng lòng tin ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc năm 1982 (UNCLOS); đề nghị ASEAN và Trung Quốc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời đẩy mạnh các nỗ lực thương lượng để sớm đạt Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

KIẾN HÒA (Theo TTXVN, Reuters)

Chia sẻ bài viết