Ở Nam Á, giá trị của người phụ nữ thường được xã hội gắn liền với khả năng sinh con. Thời kỳ mãn kinh của họ cũng bắt đầu sớm hơn so với mức trung bình toàn cầu, khiến họ đối mặt nhiều thách thức sức khỏe thể chất lẫn tâm thần. Tất cả các yếu tố đó khiến phụ nữ khu vực này trông già nua hơn phụ nữ ở phương Tây.

Nghĩa vụ sinh con và việc mãn kinh sớm khiến phụ nữ Nam Á chịu nhiều thách thức sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Ảnh: Tim Graham
Sumrin Kalia, một phụ nữ Pakistan, cho biết cô kết hôn năm 18 tuổi và sinh 4 con khi mới 25 tuổi. Mặc dù không có dấu hiệu hay triệu chứng nào, nhưng cô đột ngột mãn kinh ở tuổi 37. Nhiều phụ nữ Nam Á khác cũng có trải nghiệm tương tự, tức mãn kinh sớm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), độ tuổi mãn kinh trung bình trên toàn cầu là từ 45-55 tuổi. Tại Mỹ, tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ là 52. Còn tại Nam Á, con số đó thấp hơn gần một thập kỷ.
Theo các chuyên gia sức khỏe, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lão hóa của phụ nữ Nam Á. Chuyên gia nội tiết tố Palwasha Khan (Pakistan) cho biết thời điểm mãn kinh một phần là do di truyền, dẫn chứng việc nghiên cứu cho thấy phụ nữ có xu hướng bắt đầu và kết thúc chu kỳ kinh nguyệt ở cùng độ tuổi với mẹ của họ.
Ngoài gien di truyền, bà Khan cũng nhấn mạnh một yếu tố ít được biết đến có ảnh hưởng đến quá trình lão hóa sớm ở phụ nữ Nam Á, như sự suy giảm nhanh chóng nồng độ vitamin D. Nhiều người còn bị suy buồng trứng sớm ở độ tuổi cuối 30 hoặc 40, do các vấn đề sức khỏe chưa được chẩn đoán và tình trạng thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Văn hóa coi trọng khả năng sinh con hơn sức khỏe
Ở Nam Á, mà đặc biệt là Pakistan, kỳ vọng xã hội đã thúc đẩy nhiều phụ nữ sớm sinh con sau khi kết hôn. Việc tập trung quá mức vào khả năng sinh con đã làm lu mờ các cuộc trò chuyện về thời kỳ mãn kinh và các vấn đề sức khỏe phụ nữ.
Bà Khan cho biết: "Sức khỏe phụ nữ, vốn là một mối quan tâm riêng biệt, mà phần lớn bị bỏ qua. Nhận thức về sức khỏe nội tiết tố cũng rất hạn chế và các phương pháp điều trị như liệu pháp thay thế hoóc-môn (HRT, nhằm giảm nhẹ triệu chứng mãn kinh) rất hiếm được sử dụng, với 10.000 phụ nữ thì chỉ 2 người sử dụng HRT”.
Trong khi đó, những phụ nữ trải qua cột mốc mãn kinh phải đối mặt nhiều khó khăn. Giống như trường hợp của Sabina Qazi, một phụ nữ Pakistan ngoài 40 tuổi đã gặp nhiều khó khăn về mặt cảm xúc và nhận thức xã hội sau mãn kinh. Đây là hậu quả của việc bà phải làm phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung để phòng ngừa nguy cơ ung thư.
Tuy vậy, Qazi cho biết nỗi thất vọng lớn nhất của bà là việc ít ai quan tâm đến những hậu quả lâu dài của ca phẫu thuật. Những tổn thương về mặt cảm xúc vẫn còn kéo dài rất lâu sau khi Qazi hồi phục thể chất, nhưng bà lại rất ít được hỗ trợ. Những người bạn thân cũng xem nhẹ trải nghiệm của Qazi, bởi họ nghĩ rằng không có gì để lo lắng vì bà đã sinh 3 con, hàm ý là cơ quan sinh sản đã hoàn thành nhiệm vụ.
Trên thực tế, chuyên gia Khan cho biết có nhiều yếu tố đang kết hợp lại để đẩy nhanh quá trình lão hóa ở phụ nữ Nam Á, gồm các bệnh mãn tính, căng thẳng tinh thần và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, cùng với áp lực xã hội. Mỗi yếu tố riêng lẻ dường như đang củng cố tác động của yếu tố kia.
Theo bà Khan, phụ nữ Nam Á quá kiệt sức vì gánh nặng đến từ gia đình cho đến xã hội. Họ phải chịu đựng quá nhiều căng thẳng, khiến họ già đi nhanh hơn. Và bất chấp phải đối mặt liên tục với những kỳ vọng xã hội, họ lại ít được hỗ trợ, khiến những thách thức về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần càng trầm trọng thêm.